Quyết diệt tận gốc nạn tham nhũng

Việc trở thành “lãnh đạo hạt nhân” sau Hội nghị T.Ư VI Khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, đánh dấu phần nào những nỗ lực củng cố quyền lực từ chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo” và sự ủng hộ từ người dân của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình.

Mới đây, sau phiên bế mạc Hội nghị T.Ư VI Khóa XVIII Đảng cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trở thành “lãnh đạo hạt nhân” thứ 4 sau các nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân. Giới chuyên gia nhận định, đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, việc được xác lập trở thành “lãnh đạo hạt nhân” có ý nghĩa rất lớn, đánh dấu sự tập trung quyền lực của ông. Như nhà bình luận chính trị nổi tiếng Bắc Kinh Trương Lập Phàm nói, động thái này cho phép Chủ tịch Tập Cận Bình có tiếng nói lớn trong việc bố trí nhân sự chuẩn bị cho Đại hội đảng lần thứ XVIIII sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2017. Tuy nhiên, quyền hạn lớn hơn cũng đi kèm với trách nhiệm lớn hơn trong bối cảnh giới lãnh đạo Trung Quốc hiện đối mặt nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội.

Từ '' Ruồi nhỏ'' của làng Ô Khảm Lâm Tố Loan '' Hổ Lớn'' của Thành ủy Bắc Kinh Lã Tích Văn đều bị truy tố.

Nếu như trong quá khứ, sự suy yếu nội bộ trong giới chính trị đã tạo ra những “lỗ hổng lớn” khiến tình trạng tham nhũng, hối lộ “lan nhanh như một bệnh dịch”. Thì nay, giới chuyên gia nhận định, chính sự bất mãn ngày càng gia tăng trong lòng người dân trước nạn quan tham đã tạo cơ hội cho Chủ tịch Tập Cận Bình khởi động một chiến dịch chống tham nhũng lớn chưa từng có. Qua đó, người đứng đầu Trung Quốc “củng cố” quyền lực và khai thác thêm những lợi thế từ sự ủng hộ của người dân cả nước. Trước thềm diễn ra Hội nghị T.Ư VI Khóa XVIII, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố báo cáo cho biết, đã có 1,01 triệu quan chức nước này bị điều tra tham nhũng trong giai đoạn từ năm 2013 – 2016. Trong khi đó, chiến dịch “săn cáo 2016” của nước này cũng đã thu được những kết quả khả quan, khi bắt giữ thành công 634 đối tượng tội phạm lẩn trốn tại 67 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Mục đích trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” hay “săn cáo” của Chủ tịch Tập Cận Bình không chỉ nhằm “tẩy trắng” bộ máy công quyền tại Trung Quốc, mà còn nhằm nhận diện những “nhân tố mới”, qua đó xây dựng tiêu chí cho quy hoạch thế hệ lãnh đạo mới tại Trung Quốc. Theo giới chuyên gia, mong muốn của Chủ tịch Tập Cận Bình là đào tạo thế hệ lãnh đạo tiếp theo - những người cứng rắn và kiên định, có khả năng quản lý, giúp cải cách nền kinh tế xây dựng môi trường chính trị miễn nhiễm với tham nhũng, bất kể ở cấp nào. Vì lẽ đó, thời gian qua chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo” đã “sờ gáy” và xử lý hàng loạt quan tham từ ông Lâm Tố Loan - trưởng làng “biểu tượng chống tham nhũng” của làng Ô Khảm nhận hối lộ cho tới những quan chức cấp cao như cựu Phó Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Lã Tích Văn. Tại thời điểm này, mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình đã bước đầu củng cố quyền lực, nhưng chính quyền của ông Tập vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn, bởi muốn thay đổi những quy tắc đã ăn sâu bắt rễ từ nhiều năm qua không phải là nhiệm vụ đơn giản.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/quyet-diet-tan-goc-nan-tham-nhung-271523.html