Quyền lợi người dân phải được đặt lên hàng đầu

Tất nhiên, đó phải là quyền lợi chính đáng, hợp pháp của tuyệt đại đa số người dân, chứ không phải chỉ một số người nào đó.

Lâu nay, ta vẫn thường nghe nói đến quyền lợi của 3 bên: Nhà nước, nhà đầu tư và dân. Chúng ta cũng vẫn thường nói rằng mọi việc cần đạt được sự hài hòa về quyền lợi của 3 chủ thể này. Nhưng sự thật thì sao? Không ít nơi, không ít vụ việc cho thấy: Quyền lợi của dân luôn không được bảo vệ và thường là họ bị thiệt thòi nhất trong mối tương quan trên. Còn quyền lợi thực sự của nhà nước cũng bị xâm hại. Cái gọi là “quyền lợi nhà nước” ở đây thực chất chỉ là quyền lợi của lãnh đạo một số cơ quan chức năng liên quan. Họ đâu phải là Nhà nước mà là những nhóm lợi ích, sẵn sàng đứng hẳn về phía các nhà đầu tư để chống lưng, đem lại quyền lợi kếch sù cho họ rồi hưởng lợi nhuận béo bở trong đó.

Ảnh minh họa. Nguồn: CAND.

Có rất nhiều minh chứng cho sự thật này. Khi một dự án nào đó được phê duyệt thường là đi kèm với việc phải giải phóng mặt bằng sau đó. Nếu sòng phẳng, biết coi trọng quyền lợi chính đáng của dân thì cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức những cuộc bàn thảo công khai giữa dân và chủ đầu tư để ấn định mức giá đền bù sao cho thỏa đáng, không thiệt cho bên nào. Nhưng đa số các trường hợp chủ đầu tư đơn phương quyết định mức giá đền bù và thường thấp hơn rất nhiều lần so với mặt bằng giá trên thị trường, gây thiệt lớn cho dân. Và thế là dẫn tới kiện tụng, dân không bàn giao mặt bằng đúng thời hạn khiến công trình, dự án không thể triển khai, kéo dài có khi vô thời hạn.

Cũng vì ưu ái với chủ đầu tư hơn nên nhiều dự án BOT đã thỏa sức, tùy tiện mở ra các trạm thu phí giao thông đường bộ với thời hạn “trên trời” khiến dân bức xúc trong thời gian qua. Trong lĩnh vực nhà, đất, kinh doanh bất động sản, điều này cũng được thể hiện rõ. Ở những nơi có sự lừa phản của các chủ đầu tư (hứa, thông báo một đằng, khi dân dọn đến ở thì thấy sự thật lại một nẻo, không đúng như những điều họ cam kết). Khi các cư dân khiếu kiện thì không được giải quyết kịp thời. Có nơi còn lờ đi hoặc nếu có can thiệp thì cũng chiếu lệ, không giải quyết triệt để.

Gần đây, có việc dẹp vỉa hè, trả lại cho người đi bộ và giữ sự thông thoáng, sạch đẹp cho bộ mặt thủ đô. Thời gian đầu, đạt kết quả rõ rệt. Quyền lợi của dân (những người đi bộ và tất cả những ai mong muốn thủ đô được văn minh) đã được tôn trọng. Nhưng lại chỉ được ít ngày. Giờ đây, không ít tuyến phố từng được dẹp vỉa hè, nay tình hình bị vãn hồi. Nói là “bị” mà không phải là “được” vì đây là sự vãn hồi cái tiêu cực - vãn hồi tình trạng lộn xôn, vỉa hè bị mất, người đi bộ không thể đi trên hè, lại phải xuống đường như trước. Như vậy là quyền lợi của những hộ kinh doanh lại được “bảo vệ” trong khi quyền lợi người dân bị xâm hại.

Ở chính thể của ta, quyền lợi của Nhà nước và nhân dân là một, luôn có sự thống nhất chứ không đối lập bởi Nhà nước là của dân, do dân và vì dân. Chỉ cần quan tâm đầy đủ, đúng mức đến quyền lợi chính đáng của dân trong khuôn khổ cho phép của pháp luật đã là bảo vệ được quyền lợi của Nhà nước. Còn khi đã đi ngược lại quyền lợi của họ cũng tức là xâm hại đến quyền lợi của Nhà nước. Khi một cơ quan chức năng lấy danh nghĩa của Nhà nước để quá ưu ái một doanh nghiệp hay một chủ đầu tư nào đó không có nghĩa đó là sự tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ làm ăn phát đạt rồi đóng thuế để tăng thêm ngân sách cho Nhà nước mà có thể chỉ là sự “đi đêm” giữa họ với nhau. Và thế là chỉ có sự lợi lộc của những nhóm lợi ích và sự thiệt thòi của người dân. Nhà nước sẽ chẳng được gì.

Vậy nên, trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào, quyền lợi của ngời dân phải được đặt lên hàng đầu. Từ đó, quyền lợi của Nhà nước cũng mới được bảo toàn và quyền lợi cảu doanh nghiệp, nhà đầu tư mới tồn tại bền vững.

TS. Nguyễn Đình San/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/quyen-loi-nguoi-dan-phai-duoc-dat-len-hang-dau-p48183.html