Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Theo quy định của Điều 37, Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2012, đối với hợp đồng xác định thời hạn và hợp đồng không xác định thời hạn, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động (HĐLĐ).

Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo đúng luật định.

Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của NLĐ còn được luật cho phép khi không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong HĐLĐ; bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động. Trong trường hợp bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện HĐLĐ hoặc được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước cũng được phép chấm dứt hợp đồng với người sử dụng lao động (NSDLĐ). Bênh cạnh đó khoản e, Điều 37 còn quy định, lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền; NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục cũng được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không bị hạn chế bởi các hình thức chế tài khác.

Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định của Điều 37, NLĐ phải báo cho NSDLĐ biết trước ít nhất 3 - 30 ngày làm việc tùy theo trường hợp. Riêng đối với trường hợp lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, thời hạn báo trước cho NSDLĐ tùy thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định. Đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp lao động nữ mang thai mà khả năng tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

Điều 22, BLLĐ quy định có ba loại HĐLĐ bao gồm: HĐLĐ không xác định thời hạn; HĐLĐ xác định thời hạn (thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 - 36 tháng) và HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Ngoài ra khi HĐLĐ hết hạn mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới; nếu không ký kết HĐLĐ mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định, hợp đồng trên sẽ trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng tùy theo loại hợp đồng. Trường hợp hai bên ký kết HĐLĐ mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm một lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn.

Hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19008088 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: hoặc đến 51 Hàng Bồ, Hà Nội và 39 Trương Định, P6, Q3, TPHCM để được Luật sư tư vấn trực tiếp.

Trung Hiếu (VPTVPL Báo Lao Động)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tu-van-phap-luat/quyen-don-phuong-cham-dut-hop-dong-lao-dong-607739.bld