Quyền định đoạt tài sản chung của vợ chồng

Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng.

Hình minh họa.

Bà Nguyễn Phan Thúy Anh (Thừa Thiên – Huế) hỏi: Vợ chồng tôi sống ở nông thôn nên sau nhiều năm tích cóp mới xây được một căn nhà khang trang để ở và bán hàng nhỏ lẻ cho bà con làng xóm.

Thời gian gần đây, do chồng tôi làm ăn thua lỗ nên chồng tôi đã tự gọi người bán nhà mà không bàn bạc với tôi. Biết chồng có ý định bán nhà, tôi có ý kiến ngăn cản nhưng chồng tôi cho rằng việc bán nhà cửa là việc của đàn ông, tôi là đàn bà không có quyền tham gia. Đề nghị quý báo tư vấn cho tôi biết ý kiến của chồng tôi như vậy có đúng không và việc mua bán nhà không có ý kiến của tôi (là vợ) thì có vi phạm pháp luật không?

Luật gia Hồng Hạnh trả lời: Theo quy định tại Điều 31 Luật hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì: Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng.

Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 35 của Luật này cũng quy định:

Việc định đoạt tài sản chung là bất động sản phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. Căn cứ vào các quy định trên đây, trường hợp căn nhà là tài sản chung của vợ chồng chị nên việc chồng chị bán căn nhà trên phải được sự đồng ý của chị.

Trường hợp chồng chị bán nhà mà không được sự đồng ý của chị là vi phạm pháp luật và hợp đồng mua bán nhà đó sẽ bị vô hiệu, không được pháp luật công nhận và bảo vệ. n

PV

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/quyen-dinh-doat-tai-san-chung-cua-vo-chong-d28242.html