Quyền CĐ không thể dựa vào “lòng tốt” của DN

Luật CĐ hiện hành được ban hành ở giai đoạn đầu của thời kỳ chuyển đổi từ thể chế bao cấp sang cơ chế thị trường (năm 1990), nên đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Việc sửa đổi luật để đảm bảo thực thi quyền CĐ trong đổi mới, hội nhập là rất cần thiết. Tuy nhiên, phải đảm bảo việc thực thi quyền CĐ không thể chỉ dựa vào “lòng tốt” của DN!

Thực thi quyền CĐ và “lòng tốt” của DN

Theo quy định Luật CĐ hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quyền của CĐ khá rộng: Quyền gia nhập, thành lập và hoạt động CĐ; quyền đại diện cho NLĐ; quyền tham gia quản lý, tham gia kiến nghị; quyền kiểm tra, giám sát; quyền tham gia giải quyết tranh chấp LĐ; thực hiện quy chế dân chủ; yêu cầu thực hiện các đảm bảo đối với hoạt động CĐ... Nhưng muốn thực thi các quyền đó thì vẫn phụ thuộc vào “lòng tốt” của chuyên môn, chủ DN hoặc chính quyền đồng cấp.

Chẳng hạn, việc thu kinh phí CĐ (quyền yêu cầu đảm bảo cho CĐ hoạt động) trong các DN ngoài quốc doanh gặp rất nhiều khó khăn, bởi luật không có chế tài xử phạt số DN trốn tránh, không trích nộp kinh phí CĐ. DN “thích” thì nộp, mà không nộp kinh phí CĐ cũng chẳng sao! Có cán bộ CĐ lâu năm đã phải thốt lên rằng: Tuy là “cây gậy” pháp lý, nhưng thực thi các quyền của CĐ theo Luật CĐ hiện hành còn phụ thuộc vào trình độ năng lực và sự khéo léo của cán bộ CĐ. Nếu CĐ không khéo léo, không thuyết phục được lãnh đạo DN thì rất khó thực hiện.

Trên thực tế, quyền đại diện của tổ chức CĐ về cơ bản đã được tôn trọng, nhất là ở DNNN. Tuy nhiên, nhiều nơi quyền này của CĐ chỉ mang tính hình thức, chất lượng và hiệu quả hoạt động của “người đại diện” chưa cao, chưa thể hiện được vai trò là người đại diện cho CNLĐ. Minh chứng rõ ràng nhất là tỉ lệ DN khu vực ngoài quốc doanh ký được TƯLĐTT chỉ đạt khoảng trên 20%...

Bổ sung chế tài xử phạt là yêu cầu bức thiết

Khiếm khuyết lớn trong thực thi Luật CĐ hiện nay là chưa tuyên truyền, phổ biến thật sâu rộng Luật CĐ. Ngay cả đối với cán bộ chuyên trách CĐ, nếu tổ chức sát hạch về Luật CĐ thì sẽ thấy rằng rất nhiều người không nắm rõ, huống chi các đối tượng khác! Chính vì vậy mà nhiều cán bộ CĐ chưa thấy được yêu cầu phải sửa đổi bổ sung luật. Trong tiến trình đổi mới, cổ phần hóa các DN, có DN sau khi chuyển đổi “o ép” CĐCS. Có CĐ cấp trên mời cán bộ CĐCS lên hỏi: “Sao không đưa Luật CĐ ra đấu tranh?”.

CĐCS trả lời: “Quy định của Luật CĐ hiện hành lạc hậu rồi. Đưa ra DN “cười” cho, thà không đưa ra còn hơn”! Có rất nhiều DN, nhất là khu vực ngoài nhà nước vi phạm nhiều điều khoản của Luật CĐ, nhưng cũng chẳng sao vì không có chế tài xử phạt! Yêu cầu bức thiết đặt ra là phải sửa đổi, bổ sung các chế tài của Luật CĐ hiện hành. Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật CĐ phải phù hợp với sự chuyển đổi của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Nên có quy định rõ về hoạt động CĐ cho phù hợp với các loại hình DN và bổ sung các nội dung để phù hợp với quy định của Hiến pháp, BLLĐ, Luật DN... đang có hiệu lực hiện nay.

Cần nhìn nhận thấu đáo rằng, có Luật CĐ thì vị trí, vai trò của tổ chức CĐ mới được phát huy. Quy định của luật thì khá đầy đủ, toàn diện nhưng việc thực hiện trên thực tế lại chưa tương xứng! Nhiều quy định không còn phù hợp với sự phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập. Vì vậy, một mặt các cấp CĐ cần tìm các giải pháp sáng tạo để thực thi tốt các quy định của luật, đồng thời phải tập hợp ý kiến đóng góp của đông đảo cán bộ CĐ, CNVCLĐ để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật CĐ.

Việc sửa đổi luật cần đảm bảo các yêu cầu: Có tính kế thừa, phát huy Luật CĐ năm 1990; giữ vững vai trò, chức năng CĐ, trong đó coi trọng chức năng đại diện, bảo vệ NLĐ; phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc điểm riêng của CĐVN. Và điều quan trọng là phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào CN và tổ chức CĐ.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/quyen-cd-khong-the-dua-vao-long-tot-cua-dn/60627.bld