Quý vì… không hiếm

Việc nguồn gene quý không nằm im lìm trong phòng lưu trữ mà được dân nuôi trồng để bán như thứ hàng hóa lợi nhuận cao đã giúp cho bưởi Diễn , gà Đông Tảo - 2 giống, loài đặc hữu từng có nguy cơ mất giống, tuyệt chung nhưng đã được bán rộng rãi trong những năm gần đây.

Năm 1992, do được xếp vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng vì năng suất thấp, gà Đông Tảo được đưa vào chương trình Bảo tồn quỹ gene vật nuôi. Đến nay, gà Đông Tảo còn trở thành loại thực phẩm mà nhiều người tiêu dùng có khả năng tiếp cận nhờ được nhân nuôi rộng rãi, với sự tham gia của 90% dân số xã (khoảng 2.000 hộ). Sở KH&CN Hưng Yên cũng đã thành công trong việc xây dựng nhãn hiệu tập thể gà Đông Tảo Hưng Yên.

Một loài đặc hữu khác là bưởi Diễn (Hà Nội) cũng từng có nguy cơ mất giống, được xếp vào danh mục cây trồng quý hiếm cần bảo tồn theo một quyết định năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mấy năm gần đây, loại quả này được bán rộng rãi với mức giá bình dân nhờ diện tích được mở rộng theo đề án phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của Hà Nội.

Gà quý phi được nuôi giữ tại Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn vật nuôi, Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT). Ảnh: Châu Long

Điểm chung của 2 trường hợp trên là nguồn gene quý không nằm im lìm trong phòng lưu trữ mà được dân nuôi trồng để bán như thứ hàng hóa lợi nhuận cao. Ở Đông Tảo, mức thu nhập 400-500 triệu đồng/năm của các hộ nuôi gà chẳng làm ai trầm trồ và không cần hô hào, vận động, người ta đua nhau nuôi vì cái lợi rõ ràng, khiến số cá thể mang gene quý ngày một dồi dào.

Nhưng cũng có một thực tế khác của việc bảo tồn các loài đặc hữu trong dân: Nhiều giống đang suy thoái hoặc bị đe dọa tuyệt chủng vì được nuôi tự phát. Chúng dễ chết vì bệnh, mất giống vì lai tạp và hiệu quả kinh tế thấp. Điều đó cho thấy, sự tham gia của nhà khoa học và nhà quản lý là không thể thiếu. Hai “nhà” này cung cấp cho dân giống chuẩn, kỹ thuật, quy trình và sự hỗ trợ về tài chính, chính sách qua các chương trình, đề án, như trường hợp của bưởi Diễn, gà Đông Tảo.

Làm sao để việc bảo tồn đồng nghĩa với giúp dân làm giàu, đó là bài toán khó, vì thế không phải giống quý nào cũng được bảo vệ thành công. Loài lợn ỉ đặc hữu của Việt Nam đã tuyệt chủng bởi vấn đề hiệu quả kinh tế: Nhỏ con, chậm lớn, thịt tuy thơm ngon nhưng nạc ít, mỡ nhiều.

Để giải bài toán này, chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nhấn mạnh việc khai thác các nguồn gene có đặc tính quý hiếm, giá trị kinh tế cao để phát triển thành các sản phẩm thương mại thương hiệu Việt, có tính cạnh tranh. Như vậy, các giống quý hiếm sẽ trở nên quý giá hơn khi không còn hiếm nữa. Bởi khi đó, chúng không chỉ đóng góp cho đa dạng sinh học mà còn giúp nước mạnh, dân giàu.

Hoàng Phạm

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/quy-vi-khong-hiem/20161027022722381p1c785.htm