Quy trình sơ chế thực phẩm tươi sống tại chợ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc

Khách hàng là thượng đế vậy nên việc phục vụ tận tình cho khách hàng là điều đương nhiên. Tuy nhiên việc sơ chế tại chỗ các mặt hàng như thịt xay, cua xay đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh.

Thịt, cua, cá xay sẵn tại các chợ thường không đảm bảo an toàn vệ sinh trong quá trình sơ chế

Khách hàng là thượng đế vậy nên việc phục vụ tận tình cho khách hàng là điều đương nhiên. Tuy nhiên việc sơ chế tại chỗ các mặt hàng như thịt xay, cua xay đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh nhưng rất ít người tiêu dùng lưu tâm. Nhất là các khu vực chợ dân sinh, chợ tạm gần khu dân cư đông đúc.

Chế biến chớp nhoáng

Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng là tiết kiệm thời gian, công sức nên hầu hết các hàng bán thịt và thủy hải sản đều trang bị sẵn một máy xay (thủ công hoặc xay bằng máy) tại chỗ để phục vụ khách. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể tiết kiệm được nhiều công đoạn hơn.

Ngay tại các quầy thịt, cách sơ chế này cũng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Những miếng thịt không che chắn bám đầy bụi được bày bán trên bàn, khi có khách đến hỏi mua thịt và có nhu cầu xay thịt thì người bán chỉ rửa qua loa rồi cho vào máy xay.

Thậm chí một số quầy còn không rửa lại mà cho thẳng vào máy xay nếu khách hàng không để ý hay yêu cầu. Những lúc đó, người bán thường chống chế rằng “thịt được làm sạch từ đầu rồi nên không phải rửa lại”, có người còn gắt gỏng “không chết được đâu mà sợ”, hay như “thịt vừa pha, rửa nước vào khi xay sẽ ra nước chị ạ”.

Chỉ với một chiếc máy xay được dùng đi dùng lại rất nhiều lần mà không hề được lau rửa, che đậy và luôn trong tình trạng có phần thịt dư thừa trong máy do lần xay trước đó đã là mất vệ sinh. Trong khi đó, cũng chỉ một xô nước được dùng để rửa thịt cho rất nhiều khách hàng.

Hay như thịt bò cũng được thái mỏng để sẵn trong khay, chỉ cần khách hỏi mua là lập tức có hàng. Đa phần những người mua hàng không để ý đến việc vệ sinh thịt bò trước khi thái, chỉ thấy thịt đỏ tươi, nhìn ngon mắt là mua ngay. Ít ai biết rằng trước khi thái thịt bò, nhiều người bán hàng thậm chí không rửa qua thịt bò.

Không chỉ có thịt lợn, thịt bò các mặt hàng thủy, hải sản như cua, cá, tôm…cũng được sơ chế sẵn. Quan sát một số khu chợ như: chợ đầu mối, chợ Dịch Vọng,…nhằm chiều khách nên hầu hết các tiểu thương đều mổ cá, moi ruột sẵn, hoặc xay thịt, cua sẵn.

Nhiều hàng nếu để ý kỹ, cua sống và cua chết thả lẫn nhau trong chậu. Khi khách hàng mua, người bán chỉ việc vớt lên xóc qua 1 lần rồi nhanh chóng bóc mai, lấy gạch và cho vào máy xay nhuyễn. Còn khi gặp khách hàng khó tính phàn nàn về cách sơ chế thì người bán lại nhanh miệng: “Em rửa sạch rồi mới xay, chứ làm bẩn về ăn thấy sạn là biết ngay…” (!?).

Điều đáng nói ở đây là, số cua bẩn chỉ được xóc qua một lần nước trong khi nước rửa cua thường đục ngầu bùn đất. Thịt bò thái sẵn, thịt lợn xay và cả cua xay đều là thực phẩm đã qua sơ chế và không thể vệ sinh lại trước khi nấu. Thường những miếng thịt bày bán ở chợ nhìn rất ngon mắt vì đã được chủ hàng lau qua bằng một mảnh vải (chuyên dùng để lau thịt).

Chính vì thế nó đã qua mắt được người tiêu dùng khiến họ tin tưởng vào độ an toàn của loại thịt mà mình mua. Tuy nhiên, liệu rằng những miếng thịt này có thực sự “an toàn” khi chỉ được nhúng qua nước rồi cho lên xay?

Trong khi một số địa điểm bán thực phẩm còn nằm ngay cạnh đường lớn, nơi có nhiều xe cộ đi lại. Hàng ngày, đủ các tạp chất và bụi bẩn ở bên đường gây ô nhiễm cho nguồn thực phẩm song người bán hàng không hề trang bị vật dụng để che đậy.

Biết bẩn vẫn mua

Vừa không mất tiền xay lại vừa không mất công sức khiến nhiều người không ngần ngại tìm đến những mặt hàng này. Chính tâm lý dễ dãi của người tiêu dùng đã khiến việc tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm sơ chế không có độ an toàn vệ sinh khá phổ biến. Bởi điều quan trọng là khi mua thịt, cua… người mua hàng sẽ được xay miễn phí.

Đối tượng thường xuyên có nhu cầu mua thực phẩm xay sẵn thường là sinh viên, công nhân... do không có phương tiện để xay thực phẩm nên đã chọn thịt xay sẵn, thủy sản xay sẵn ở chợ để chế biến món ăn. Thay vì lựa chọn những thực phẩm tươi nguyên về chế biến, nhiều người vì quá bận thường chọn thực phẩm làm sẵn vì sự tiện lợi của nó.

Nguyễn Thương (sinh viên Đại học Sư Phạm Hà Nội) cho biết: “Sinh viên nên em thường mua những đồ ăn dễ chế biến như thịt xay vì nó có thể chế biến được nhiều món hơn”. Tương tự, Thu Thảo – sinh viên Đại học Bưu chính viễn thông cũng thường xuyên lựa chọn thực phẩm này: “Thịt xay sẵn rất tiện, sợ bẩn đấy nhưng nấu lên vi trùng vi khuẩn nó cũng chết hết, lo gì, hơn nữa, nhìn thịt trên bàn cũng sạch sẽ nên chắc người bán cũng rửa qua rồi nên chắc không sao…”.

Đó là tâm lý chung của nhiều bạn sinh viên hiện nay khi mà đang phải chi tiêu eo hẹp thì đành phải chấp nhận và sống chung với “lũ”. Không chỉ vậy, nhiều người vì quá bận công việc, không có nhiều thời gian dành cho việc bếp núc cũng chọn cách này để tiết kiệm thời gian.

Chị Hoài thường xuyên đi làm về muộn cũng chọn mua thịt xay để chế biến nhanh hơn kể lại: “Có lần đi mua thịt xay, thấy mình không để ý, chị bán hàng cho vào xay luôn không cần rửa. Thấy thế mình hoảng hồn, chị bán hàng chỉ bảo “thịt sạch sẵn rồi không cần rửa”. Mình nhất quyết không đồng ý thì chị ấy cầm miếng thịt, thả vảo xô nước bẩn đầy mỡ màng rồi cho vào xay”.

Nếu nhìn vào cách sơ chế chung của những người bán thực phẩm hiện nay ở chợ, thịt xay không tốt cho sức khỏe người dùng vì nó dễ dàng bị nhiễm các loại vi trùng, vi khuẩn từ máy xay. Hơn nữa, quy trình chế biến thịt, cua xay ở chợ thường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chính sự chủ quan của người tiêu dùng và cách sơ chế không đảm bảo của người bán khiến không ít trường hợp ngộ độc thực phẩm do thức ăn không hợp vệ sinh. Người tiêu dùng có thể bị rối loạn đường tiêu hóa, tiêu chảy và thậm chí nếu không cấp cứu kịp thời có nguy cơ tử vong. Đó là chưa kể người tiêu dùng không biết rõ nguồn gốc của các loại thực phẩm bày bán ở chợ.

Mặc dù mỗi khi nhắc đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hầu hết mọi người đều “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra. Câu chuyện về mất vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ còn tiếp diễn khi ý thức của người bán hàng không được nâng lên và người tiêu dùng thì vì tiếc thời gian công sức mà rước về bệnh tật bởi thức ăn sẵn không nguồn gốc và chế biến, bảo quản mất vệ sinh.

Vì vậy, để giữ gìn sức khỏe cho bản thân và gia đình, mỗi người tiêu dùng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn thực phẩm nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong năm 2015, toàn quốc ghi nhận 171 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.965 người mắc và 23 trường hợp tử vong, so với năm 2014, số vụ giảm 22 vụ (11,4%), số mắc giảm 237 người (4,6%) và số tử vong giảm 19 người (45,2%). Kiểm tra trên 2,6 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%, số tiền phạt khoảng 99,6 tỷ đồng. Ngoài ra, còn công khai tên, địa chỉ các cơ sở vi phạm để người dân biết.

Hiền Mai

Nguồn SKCĐ: http://suckhoe.com.vn/suc-khoe/quy-trinh-so-che-thuc-pham-tuoi-song-tai-cho-tiem-an-nhieu-nguy-co-ngo-doc-68107