Quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ: Hiệu quả cao, cần nhân rộng

Nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn (RAT) theo hướng hữu cơ không những giảm ngày công, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường mà còn thu hiệu quả kinh tế cao.

 Sản xuất rau an toàn tại xã Phương Đình (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt

Sản xuất rau an toàn tại xã Phương Đình (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt

Vấn đề đặt ra là cần tạo điều kiện cho nông dân tăng diện tích và nhân rộng mô hình sản xuất RAT mới này. Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà quản lý về hoàn thiện quy trình sản xuất RAT trên địa bàn thành phố.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho biết: Quy trình sản xuất RAT của Hà Nội cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn do có nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) mới ra đời thay thế các loại cũ. Hiện nay, có tới 1.785 hoạt chất và 4.094 tên thương phẩm, nhiều loại thuốc BVTV có cùng hoạt chất, hàm lượng nhưng lại đăng ký phòng trừ đối tượng sâu bệnh hại khác nhau, dẫn đến khó cho công tác quản lý. Hà Nội xây dựng quy trình sản xuất RAT sát thực tế, bảo đảm chất lượng.

Thời gian qua, tập quán canh tác lạc hậu và thói quen sử dụng thuốc BVTV của nông dân Hà Nội đã thay đổi đáng kể. Qua điều tra cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học đã chiếm khoảng 60%, giảm 30% số lần sử dụng thuốc. Hà Nội đã thử nghiệm gần 400 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc BVTV như: Che phủ bằng ni lông, nhà lưới, trồng rau trái vụ tại 116 xã với diện tích trên 1.150ha. Ngoài ra, Ngành Nông nghiệp Hà Nội còn hướng dẫn nông dân dùng bả protein, bả chua ngọt, chế phẩm sinh học Emina xử lý tàn dư cây trồng. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật này là cơ sở, tiền đề quan trọng để Hà Nội đưa ra quy trình sản xuất RAT mới, hạn chế sử dụng thuốc BVTV.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vấn, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đánh giá cao bộ quy trình sản xuất RAT mới của Ngành Nông nghiệp Hà Nội đưa ra lấy ý kiến, bởi nông dân dễ thực hành, phù hợp với nền nông nghiệp xanh, hữu cơ trong điều kiện biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường gia tăng. Các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của Hà Nội không chỉ dừng lại ở mô hình, mà được triển khai trên diện rộng, đây là tín hiệu vui. Tuy nhiên, quy trình sản xuất RAT mới của Hà Nội thiên về sử dụng nhiều loại phân hữu cơ như khô đậu tương, bột ngô ngâm ủ thay thế các loại phân hóa học liệu có khả thi vì mẫu mã RAT sẽ không bắt mắt với người tiêu dùng?

Trao đổi về quy trình sản xuất RAT mới của Hà Nội, bà Trần Minh Hằng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Hà Nội hiện có nhiều loại rau đã trồng trái vụ, do vậy cần có quy trình bổ sung cho phương pháp canh tác. Đi đôi với hướng dẫn sử dụng các chế phẩm sinh học, hữu cơ cần có hướng dẫn thêm về các loại phân bón tổng hợp khác nhằm có thêm sự lựa chọn cho nông dân. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ đề xuất: Giải pháp tối ưu đối với sản xuất RAT của Hà Nội vẫn là sự kết hợp hài hòa giữa sử dụng phân bón, thuốc BVTV hữu cơ và vô cơ nhằm phù hợp với tập quán canh tác của từng địa phương...

Trước những quan điểm trên, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng giải thích: Sản xuất RAT sử dụng phương pháp hữu cơ, nông dân được hỗ trợ nhiều chính sách về giống, phân bón, kỹ thuật và tham gia tập huấn. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng không cấm nông dân sản xuất RAT sử dụng phân vô cơ, hóa học. Tuy nhiên, sử dụng các loại phân này, nông dân sẽ không được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố. Vì vậy, sản xuất RAT theo quy trình hữu cơ là lựa chọn tất yếu và mang tính chiến lược của ngành Nông nghiệp Hà Nội trong thời gian tới.

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/853244/quy-trinh-san-xuat-rau-an-toan-theo-huong-huu-co-hieu-qua-cao-can-nhan-rong