Quỹ tín dụng nhân dân xã Cẩm Bình (Hà Tĩnh): 'Bà đỡ' giúp dân thoát nghèo

Với tư duy đổi mới, nâng cao hiệu quả điều hành, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động kinh doanh, linh hoạt trong lãi suất, quản trị tốt rủi ro, không để phát sinh nợ xấu mới, Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) trở thành điểm sáng trong hoạt động quản lý mô hình quỹ tín dụng mới đạt hiệu quả.

Đi vào hoạt động từ tháng 5/2013, Quỹ TDND xã Cẩm Bình luôn được sự chỉ đạo sát sao của Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, sự đầu tư hỗ trợ của Ngân hàng HTX và sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, hội đoàn thể tại địa phương. Vì vậy, kết quả hoạt động năm sau luôn cao hơn năm trước. Vốn tự có là 1,8 tỷ đồng, vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, vốn huy động 14 tỷ đồng, vốn vay 10,2 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay tăng lên 27 tỷ đồng. Số thành viên từ 400 trong năm 2013 đến năm 2016 đã tăng vọt lên là 800.

Tại các cuộc họp Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc quỹ, những khó khăn được bàn bạc kỹ lưỡng, đề ra cácphương án tháo gỡ kịp thời, nhất là việc huy động vốn, cơ cấu lãi suất, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn khó đòi, không để nợ xấu mới phát sinh. Mặt khác, việc nâng cao hiệu quả đồng vốn được bàn bạc tập thể kỹ lưỡng tạo thuận lợi cho người vay nhanh chóng, lãi suất hợp lý.

Mặc dù quy mô cho vay không quá 260 triệu đồng/ hộ nhưng khi đã giải ngân, các thành viên của Quỹ luôn kiểm tra đồng vốn sử dụng có đúng mục đích, đúng đối tượng mới giải ngân. Quá trình sử dụng vốn, thành viên được Quỹ thường xuyên đến kiểm tra hiệu quả vốn vay. Nhờ vậy, đồng vốn của quỹ đã giúp hàng trăm hộ nông dân tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Quỹ Tín dụng nhân dân xã Cẩm Bình đã giúp cho hàng ngàn lượt nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ông Trần Hữu Đỉnh – Chủ tịch HĐQT của Quỹ- chia sẻ: “Để đảm bảo độ chắc chắn và ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động của Quỹ thì yếu tố con người là quan trọng nhất. Vì thế, bộ máy điều hành của Quỹ đã được kiện toàn, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định. Cán bộ nghiệp vụ được bố trí, sắp xếp phù hợp trình độ, năng lực chuyên môn. Quỹ luôn tạo điều kiện cho CBNV tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, đồng thời coi trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đến nay 100% cán bộ làm việc tại quỹ đã được tham gia đóng bảo hiểm”.

Đến tháng 10/2016, QTDND Cẩm Bình tăng thu đạt gần 3 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản trả lãi vay, trả lãi tiền gửi, nộp thuế, trả lương cho bộ phận phục vụ, quỹ đã tạo được hơn 690 triệu đồng lợi nhuận. Điều đáng mừng nhất, mới chỉ ba năm hoạt động, QTDND Cẩm Bình đã thành “bà đỡ” chu đáo, giúp nhiều gia đình làm ăn khá giả.

Ông Trần Hữu Đường (thôn Trung Trạm) phát triển kinh tế trang trại giỏi nhờ nguồn vốn vay từ quỹ tín dụng

Ông Trần Hữu Đường (thôn Trung Trạm) cho biết: “Gia đình tôi đã vay 260 triệu ở Quỹ để đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn siêu nạc kết hợp nuôi cá. Từ khi có nguồn vốn làm ăn, kinh tế gia đình phát triển khá. Mỗi năm, gia đình chúng tôi thu nhập từ 120 -150 triệu đồng. Hiện tại, tôi đang dự định tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi”. Ông cho biết thêm, đa số người dân ở xã Cẩm Bình đều vay vốn từ quỹ tín dụng để đầu tư chăn nuôi, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp. Các hộ đều ý thức trả lãi cho Quỹ theo đúng cam kết trong hồ sơ vay. Một số gia đình đã mạnh dạn vay vốn lớn như ông Duẫn (thôn Nam Tiến ) 250 triệu, chị Nguyễn Thị Vân (thôn Đông Đường) 150 triệu, phục vụ cho chăn nuôi lợn; tất cả đều sử dụng nguồn vốn rất hiệu quả.

QTDND là loại hình tín dụng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà chủ yếu là tương trợ, giúp đỡ các thành viên vay vốn sản xuất, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Những thành công của quỹ tín dụng Cẩm Bình bước đầu cho thấy, trước hết là công lao của người đứng đầu trong công tác điều hành và quản lý. Kế đó là sự hoạt động đều tay của bộ máy. Nhờ vậy, đã tạo được nề nếp kỷ cương ngay từ khi hoạt động. Qua ba năm hoạt động, QTDND Cẩm Bình đã đưa lại những kết quả khả quan, dư nợ tăng trưởng tốt. Đồng vốn từ người gửi qua quỹ tín dụng, đưa tới đối tượng vay luôn luôn được vận hành an toàn, tránh được sự cố rủi ro, tạo nên động lực mới trong sản xuất hàng hóa, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng Nông thôn mới.

Lê Dũng – Minh Hà

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/ba-do-giup-dan-thoat-ngheo/