Quỹ Tiết kiệm nhà ở có khả thi?

Chỉ số giá nhà trên thu nhập của Việt Nam so với một số khu vực

Trang 1 / 2

Nếu chỉ số giá nhà trên thu nhập theo tiêu chuẩn của Liên hiệp Quốc là vào khoảng 3-4 thì ở Việt Nam, con số này đang dao động từ 24,5-26,6, cao gấp 6-8 lần so với mức trung bình của thế giới. Chỉ số này thể hiện thu nhập trung bình và khả năng tiếp cận nhà ở của người dân mỗi quốc gia. Người dân tại các quốc gia có chỉ số càng cao thì sẽ càng khó khăn hơn trong việc sở hữu một căn nhà. Nhìn vào những con số trên có thể thấy sự chênh lệch quá lớn giữa Việt Nam với thế giới. Và đây là điều đáng báo động.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, giá nhà tại Việt Nam hiện cao thứ 20 trên thế giới trong khi nền kinh tế chỉ đứng ở vị trí rất khiêm tốn là 100. Hầu hết người lao động Việt Nam đều không thể mua nhà nếu chỉ dựa vào mức lương hằng tháng.

Một người có thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng, chẳng hạn, có thể tiết kiệm mỗi tháng khoảng 1,8 triệu đồng (30% thu nhập). Mức giá nhà trung bình hiện nay tại TP.HCM và Hà Nội vào khoảng 1 tỉ đồng/căn. Vì vậy, người lao động cần 50 năm để có thể mua nhà. Đó là chưa kể đến việc giá nhà tăng qua các năm và tiền đồng xuống giá. Như vậy, nếu là một công nhân nhà máy với thu nhập chỉ 3 triệu đồng/tháng thì họ phải chờ bao lâu mới có thể mua được nhà?

Manh nha Quỹ Tiết kiệm nhà ở tại Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa duyệt chủ trương đề án thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở theo mô hình tổ chức phi lợi nhuận với mức đóng góp tự nguyện từ tiền lương hằng tháng của người lao động. Bộ Xây dựng đã đề xuất thành lập 2 mô hình Quỹ Tiết kiệm nhà ở áp dụng cho người có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Nếu được chấp thuận, 2 mô hình này dự kiến sẽ được thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM trong giai đoạn 2013-2015.

Mô hình thứ nhất sẽ cho người có thu nhập thấp vay mua hoặc thuê nhà ở xã hội. Mô hình này cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản trong việc tiếp cận những khoản vay để đầu tư xây dựng nhà ở dành cho người có thu nhập thấp. Nguồn vốn để hình thành Quỹ trước tiên sẽ đến từ các nguồn lợi nhuận do phát hành xổ số kiến thiết, xổ số nhà ở, nguồn vốn phát hành trái phiếu nhà ở, tiền sử dụng đất thu được từ các dự án phát triển bất động sản, ngân sách địa phương hỗ trợ hằng năm. Phần còn lại sẽ được huy động từ Quỹ Phát triển nhà ở, đóng góp của các đối tượng có nhu cầu mua nhà và vốn do ngân sách trung ương cấp một lần ban đầu cho Quỹ. Dựa trên tinh thần tự nguyện, cá nhân và các hộ gia đình sẽ đóng góp hàng tháng không tính theo tỉ lệ tiền lương mà tính theo nhu cầu của khoản vay dự kiến. Người tham gia Quỹ sẽ được cho vay sau khi đã đóng tiền vào Quỹ tối thiểu khoảng 30% giá trị của căn nhà cần mua với thời gian đóng quỹ tối thiểu từ 5 năm. Khoản vay sẽ có thời hạn 15 năm với mức lãi suất dự kiến khoảng 5%/năm.

Mô hình thứ hai sẽ cho người có thu nhập trung bình vay để mua nhà ở thương mại. Quỹ này sẽ do một ngân hàng thương mại hoặc quỹ chuyên về phát triển nhà ở xã hội quản lý. Khác với mô hình đầu tiên, nguồn vốn cho Quỹ hoạt động sẽ đến từ người có nhu cầu mua nhà ở tham gia đóng quỹ, chứ không phải từ các nguồn tài chính khác. Người tham gia sẽ được cho vay sau khi đã đóng góp vào Quỹ khoảng 50% giá trị căn nhà muốn mua.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, người có thu nhập thấp cũng nên có ý thức và chủ động trong việc tìm cách sở hữu một ngôi nhà. Ông cho rằng việc đóng góp nên được áp dụng bắt buộc cho tất cả, bởi vì nếu dựa trên tinh thần tự nguyện thì chỉ những người không có nhà hoặc có nhu cầu mua nhà mới tham gia Quỹ. Trong khi ngân sách nhà nước dành cho các dự án nhà ở thu nhập thấp vẫn còn rất hạn chế mà nhu cầu nhà ở lại cấp thiết, đặc biệt là đối với người có thu nhập thấp.

Nếu theo chuẩn nghèo mới năm 2011, tỉ lệ hộ nghèo cả nước chiếm từ 15-17%, trong đó 90% số hộ nghèo tập trung ở nông thôn. Theo tính toán, với hơn 9 triệu người lao động đang hưởng lương, chỉ cần góp 1% số lương mỗi tháng, hằng năm Quỹ sẽ thu được không dưới 10.000 tỉ đồng, góp phần đáng kể vào việc cải thiện chỗ ở cho người dân.

Theo dự kiến, đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần đến 2,5 tỉ m2 nhà ở mới đáp ứng được nhu cầu của 96 triệu dân. Tuy nhiên, hiện nay cả nước chỉ có khoảng 1,4 tỉ m2 nhà ở, trong đó 70% là do người dân tự xây dựng. Thêm vào đó, 70% vốn đầu tư cho các dự án bất động sản đều là vốn vay ngân hàng, nghĩa là nguồn vốn dành cho bất động sản hiện rất hạn chế. Tại các đô thị trên cả nước, hiện vẫn có khoảng 7 triệu người có nhu cầu về nhà ở xã hội với tổng diện tích lên tới 150 triệu m2, tương đương nguồn vốn đầu tư từ 294.000-399.000 tỉ đồng. Điều này cho thấy nhu cầu nhà ở là rất lớn.

Nhìn Từ Thành công của mô hình Quỹ Tiết kiệm nhà ở tại một số nước

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã triển khai mô hình quỹ bất động sản, quỹ nhà ở xã hội kết hợp công và tư. Nhìn chung, những nước này đều yêu cầu mỗi người dân phải có nghĩa vụ đóng góp vào quỹ phát triển chung của đô thị, cho dù họ có nhu cầu nhà ở hay không. Tất nhiên, Chính phủ vẫn là kênh tài chính chủ yếu cho các chương trình chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng lại đang đề xuất chương trình Quỹ Tiết kiệm nhà ở với các nguồn vốn huy động chính từ thu nhập người dân trong khi có rất ít hỗ trợ từ Chính phủ. Liệu đây có phải là chính sách hiệu quả khi mà thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn rất thấp, chỉ khoảng 25,2 triệu đồng/người/năm.

Ở Trung Quốc, mô hình Quỹ Tiết kiệm nhà ở đã được thực hiện từ thập niên 1990 dưới tên gọi Public Housing Fund (PHF), nhằm hỗ trợ người lao động thu nhập thấp và trung bình mua nhà với lãi suất cho vay mua nhà thấp hơn nhiều so với lãi suất của các ngân hàng thương mại. Cả người lao động lẫn người tuyển dụng lao động đều phải đóng cùng một mức từ 5-12% thu nhập vào Quỹ PHF.

Trang 1 2 Trang kế tiếp

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=11842