Quy hoạch ngành than còn bất cập

Khác với các ngành sản phẩm khác, một số ngành liên quan đến năng lượng như than, điện vẫn cần có quy hoạch. Tuy nhiên, sự bất cập từ quy hoạch đến thực hiện lâu nay vẫn diễn ra. Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thành Sơn (ảnh), Giám đốc Công ty New Technology Solutions đồng thời là chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành than xung quanh quy hoạch than mới được công bố.

Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 điều chỉnh (quy hoạch 403). Trong quy hoạch này đề cập đến nhiều vấn đề như sản lượng than, tổng trữ lượng, tài nguyên than… Theo ông, đâu là bất cập trong Quy hoạch này?

Khi làm quy hoạch, số liệu ban đầu đưa vào quy hoạch là quan trọng. Trước hết là các số liệu cập nhật về kết quả thăm dò khảo sát địa chất (trữ lượng địa chất, trữ lượng công nghiệp), công nghệ khai thác, tổn thất tài nguyên, đánh giá tình hình trong và ngoài ngành than, trong và ngoài nước… Phải có số liệu đầy đủ mới làm quy hoạch được. Ngoài ra, khi sử dụng các số liệu đầu vào đó cũng cần có tư duy phù hợp và hiểu biết một cách đầy đủ.

Thực tế, trong quá trình quy hoạch ngành than gần đây, khâu thăm dò khảo sát, cập nhật số liệu ban đầu, đánh giá tình hình… vừa thiếu, vừa yếu. Trong khi đó, tư duy và cách tiệm cận lại không phù hợp.

Ví dụ, các khái niệm “tiềm năng” (tài nguyên) và “trữ lượng” dùng trong quy hoạch phải chuẩn xác, không bao giờ được mập mờ gộp 2 khái niệm đó theo kiểu “tài nguyên trữ lượng”. Tài nguyên là cái gì rất chung chung, là dự đoán, dự báo, dự tính, “tưởng là có”. Còn trữ lượng là con số đã có thật, “nắm trong tay”, tức là chỉ được phép tính vào trữ lượng những mỏ/vỉa/khu vực chứa than đã được thăm dò, biết chắc chắn là có và phải khai thác được hiệu quả trong điều kiện kinh tế kỹ thuật hiện nay. Trữ lượng phải được các cơ quan có thẩm quyền là Hội đồng Trữ lượng quốc gia phê duyệt.

Như vậy, quy hoạch ngành than là một văn bản pháp quy thì phải dựa trên trữ lượng than mang tính pháp lý (đã được phê duyệt) chứ không được dựa trên “tiềm năng” hay “tài nguyên” chưa có cơ sở pháp lý. Nếu dựa trên “tài nguyên” hay “tiềm năng” thì quy hoạch sẽ đổ bể vì trữ lượng nhỏ hơn tiềm năng và nhỏ hơn tài nguyên rất nhiều (có thể hàng chục, thậm trí hàng trăm lần). Đây chính là một trong những bất cập và cũng là lý do đổ bể của những quy hoạch than trước kia khi đều dựa trên tiềm năng, tài nguyên. Quy hoạch ngành than lần này được xây dựng dựa trên nguồn tài nguyên lên tới gần 49 tỷ tấn.

Trong khi đó, nếu tính đúng, “trữ lượng địa chất” của than ở cả vùng than Quảng Ninh cũng chỉ có khoảng trên dưới 2 tỷ tấn. Từ “trữ lượng địa chất” phải xác định “trữ lượng công nghiệp” (trên cơ sở công nghệ khai thác cụ thể) và từ “trữ lượng công nghiệp” mới có thể xác định được “sản lượng” than khai thác hàng năm. Như vậy, việc xác định sai trữ lượng sẽ dẫn đến những mục tiêu đưa vào quy hoạch cũng sai, từ đó kéo theo các rủi ro trong đầu tư, xây dựng cơ bản và sản xuất kinh doanh.

Sản lượng than của Việt Nam có thể được đưa vào quy hoạch khai thác tại thời điểm hiện nay chỉ khoảng 800 triệu tấn. Như vậy, cách tiếp cận như trong Quy hoạch than là chưa hợp lý.

Theo ông vậy điều này có ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện?

Trước hết, việc thực hiện quy hoạch than sẽ bị gò ép và rủi ro, sẽ giống như xây một ngôi nhà 10 tầng trên một nền móng chỉ cho phép xây 1 tầng. Ví dụ, khi xây dựng một mỏ lẽ ra chỉ đầu tư với quy mô công suất 1 triệu tấn/năm, nhưng theo quy hoạch lại đầu tư đến 2-2,5 triệu tấn/năm. Điều này sẽ gây lãng phí trong đầu tư, làm tăng chi phí sản xuất (tăng chi phí khấu hao).

Nghiêm trọng hơn, điều này còn ảnh hưởng đến định hướng quản lý của Nhà nước. Ví dụ, cân đối nhu cầu than cho điện, nếu trong thực tế, khả năng cung cấp sẽ ít hơn số liệu trong quy hoạch sẽ khiến cho quy hoạch điện bị phá vỡ. Lúc đó, phải NK nhiều hơn. Mà việc NK than của Việt Nam không hề đơn giản, điều đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng quốc gia.

Vì sao vấn đề NK than đối với Việt Nam lại khó khăn thưa ông?

Về nguồn NK thì không thiếu bởi trên thế giới tổng trữ lượng than khoảng 900 tỷ tấn, với mức khai thác 3-4 tỷ tấn mỗi năm như hiện này thì ngành than thế giới còn tồn tại 250 năm nữa. Các nước ngay cạnh Việt Nam như Indonesia, Malaysia, Trung Quốc hay xa hơn là Nga, Australia rất nhiều than XK.

Vấn đề khó khăn của Việt Nam khi NK than là Việt Nam không cạnh tranh được với các nước đang NK như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… Những nước này đã có truyền thống NK hàng chục năm nay, có nhiều kinh nghiệm trên thị trường NK. Bản thân các ngành kinh tế của họ có hiệu quả sử dụng than cao hơn nên có sức mua than cao hơn. Còn Việt Nam, mới ra nhập thị trường gần đây, các ngành kinh tế lại có hiệu quả sử dụng than thấp hơn nhiều nên khả năng cạnh tranh về giá sẽ rất kém.

Ngoài ra, điều kiện nhập khẩu than của Việt Nam không thuận lợi. Các cảng biển Việt Nam phần lớn là nông, chỉ tiếp nhận được tầu có tải trọng nhỏ (5-6 vạn tấn), làm cho chi phí vận tải biển tăng. Cảng nhận than của các dự án điện thì phần lớn chỉ thiết kế tiếp nhận được các tầu 2-3 vạn tấn, lại thường xuyên phải nạo vét. Điều này còn làm tăng chi phí chuyển tải, bốc dỡ than.

Điều kiện khai thác ở Việt Nam còn khó khăn tuy nhiên, công tác quản lý than của nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập?

Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm than đã được “vẽ” ra nhiều lên tới tổng số gần 100 tiêu chuẩn các loại (TCVN, TCN, TCCS). Trong khi nhu cầu than ở Việt Nam chỉ cần 5-10 loại (than cho nhiệt điện, xi măng, hóa chất, vật liệu xây dựng…). Lẽ ra, tiêu chuẩn than chỉ nên quy định 5-10 chủng loại phù hợp với nhu cầu thị trường nhưng hiện có quá nhiều tiêu chuẩn dẫn đến quản lý không chặt.

Việc có quá nhiều tiêu chuẩn chính là nguyên nhân sâu xa nhất của việc ăn cắp than hiện nay, đồng thời là lý do tồn 12-13 triệu tấn than.

Ngành than cần có sự thay đổi như thế nào để khắc phục những bất cập nêu trên, thưa ông?

Bản thân ngành than không thể thay đổi nhưng cách quản lý của Nhà nước phải thay đổi bằng cách tổ chức lại ngành than theo xu hướng thị trường hóa hoàn toàn.

Cụ thể, phải cổ phần hóa ngành than, khi đó sẽ giải quyết được vấn đề lao động cho ngành than, cổ phần hóa các đơn vị sản xuất, khai thác, cung ứng than. Nhà nước chỉ cần nắm giữ khâu thăm dò địa chất, còn TKV chỉ cần nắm khâu vận tải mỏ (vận tải than và đất- hai công đoạn then chốt chiếm 70% giá thành than) để quản lý chi phí và chống ăn cắp than.

Mặt khác, tình trạng có quá nhiều tiêu chuẩn cũng cần phải sửa đổi.

Nói về sự “lên tiếng”, xin quay trở lại vấn đề về quy hoạch than. Xin ông cho biết, trước khi quy hoạch ngành than ra đời, cơ quan chức năng có lấy ý kiến các chuyên gia như ông không?

Theo quy trình, các quy hoạch than đều có cơ quan phản biện. Vấn đề ở chỗ các cơ quan đó tổ chức thực hiện phản biện như thế nào, có tập hợp đủ các chuyên gia thực sự am hiểu góp ý hay chỉ phản biện dựa trên ý của 1-2 người “chắp bút”? Lẽ ra, Bộ Công Thương phải đấu thầu để lựa chọn cơ quan tư vấn lập quy hoạch. Nhưng trên thực tế, Bộ Công Thương lại chỉ định 1 đơn vị tư vấn của TKV lập (?!). Như thế đã làm mất đi tính khách quan.

Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (hay còn gọi là quy hoạch 60) trước đó đã bị đổ bể từ trên giấy và đến quy hoạch 403 này cũng có nhiều nguy cơ. Quy hoạch 403 dù đã sửa, thay đổi về số liệu nhưng tư duy làm quy hoạch vẫn thế, cách tiệm cận, phương pháp luận làm quy hoạch vẫn thế nên chắc chắn cũng sẽ phát sinh bất cập.

Xin cảm ơn ông!

Phan Thu (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/quy-hoach-nganh-than-con-bat-cap.aspx