Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh: Bao giờ xúc tiến?

Ngày 1/12 tại Hà Nội, Cục Điện ảnh (Bộ VHTT&DL) đã tổ chức Hội thảo “Tổng kết 10 năm thi hành Luật Điện ảnh” khu vực phía Bắc. Tại đây một trong những vấn đề được đại diện các Sở VHTT&DL, các hãng phim hết sức quan tâm đó là lộ trình đề án xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh- dù được tiến hành từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Cảnh trong phim “Trúng số”.

Phim đặt hàng vẫn chờ cơ chế

Theo báo cáo tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật Điện ảnh tính đến tháng 11-2016, cả nước đã có 450 doanh nghiệp tư nhân có chức năng, được phép sản xuất phim, trong đó có khoảng 15 doanh nghiệp đầu tư thường xuyên, tích cực vào sản xuất phim điện ảnh, tạo ra 50-60% tổng sản lượng điện ảnh trong nước. Cả nước đã có 145 rạp, cụm rạp với tổng số 520 phòng chiếu; có 270 đội chiếu phim lưu động…

Dẫu vậy, theo TS Ngô Phương Lan- Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam: Các chính sách cơ bản để phát triển điện ảnh chủ yếu được quy định trong Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, tính pháp chế chưa cao, chưa được thực thi nghiêm túc, như chính sách ưu đãi về thuế đối với các hoạt động điện ảnh, chính sách dành quỹ đất xây dựng rạp chiếu phim trong quá trình quy hoạch đô thị, chính sách đặc đù đối với các đội chiếu phim lưu động.

Ngoài ra, theo bà Lan việc quy định phải đấu thầu để lựa chọn nhà sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước chưa phù hợp với tính đặc thù của việc sản xuất tác phẩm nghệ thuật điện ảnh.

Vì vậy, mặc dù Bộ VHTT&DL đã hoàn thành dự thảo thứ 8 của Thông tư hướng dẫn, nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của các cơ quan quản lý nhà nước và nghệ sỹ điện ảnh. Đến nay, việc đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước đang trong giai đoạn trình Chính phủ cho phép thực hiện theo quy định tại Điều 26 Luật đầu thầu.

Bên cạnh đó, một số quy định chưa đầy đủ hoặc thiếu so với đòi hỏi của thực tiễn phát triển điện ảnh như quy định về chế độ đãi ngộ đối với nghệ sỹ, những người làm công tác điện ảnh, quy định quản lý phát hành, phổ biến phim thông qua môi trường internet, mạng viễn thông di động, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Luật Điện ảnh chưa quy định cơ chế cụ thể nhằm thu hút đầu tư, ưu đãi, miễn giảm thuế. Dẫn đến việc đầu tư cho sản xuất phim, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng ngành điện ảnh còn nhiều khó khó khăn.

Phim Việt khó lên sóng truyền hình?

Đặc biệt, cùng với những bất cập vẫn tồn tại suốt nhiều năm qua của ngành điện ảnh thì một vấn đề được chính các lãnh đạo, nhà quản lý văn hóa của các địa phương, hãng phim quan tâm đó là sự chậm trễ của việc việc xây dựng “Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh”.

Trong đó, theo bà Lương Minh Phương - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình Việt Nam: “Hiện nay phim hoạt hình Việt Nam gần như không nhận được sự hợp tác từ các đài truyền hình trong việc phát sóng. Hầu hết, phim được sản xuất xong khi đề nghị được chiếu trên truyền hình đều nhận được yêu cầu đi kèm là có đơn vị tài trợ. Điều này đang làm khó phim hoạt hình Việt Nam trong việc quảng bá”.

Lý giải về điều này, bà Ngô Phương Lan cho biết việc soạn thảo đề án xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh đã được tiến hành từ năm 2010. Trong quá trình xây dựng đề án, Bộ VHTT&DL đã hai lần trình Thủ tướng. Tuy nhiên, cho đến nay, Quỹ hỗ trợ điện ảnh vẫn chưa được lập, lý do chính là chưa xác định được nguồn thu ổn định để đảm bảo ổn định.

Cũng theo Cục trưởng, thì việc xây dựng “Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh” ở nhiều nước trên thế giới áp dụng và có những kết quả hết sức tích cực. Đơn cử như tại Pháp quỹ đã hỗ trợ tích cực cho ngành điện ảnh, đặc biết là những tác phẩm đầu tay. “Theo chủ trương chung thì nguồn vốn từ cung cấp cho quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ được lấy từ nguồn thu bán vé”- bà Lan cho biết.

Theo kế hoạch, sau Hội thảo “Tổng kết 10 năm thi hành Luật Điện ảnh” khu vực phía Bắc nhằm lấy ý kiến góp ý, ngày 7/12 Cục Điện ảnh sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các đại biểu khu vực phía Nam. Sau đó, Cục Điện ảnh tiến hành tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cho phù hợp với thực tiễn phát triển, góp phần thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh theo đúng định hướng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Hoàng Minh

Từ khóa

điện ảnh quỹ hỗ trợ phát triển xúc tiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/quy-ho-tro-phat-trien-dien-anh-bao-gio-xuc-tien/138374