Quỹ Hỗ trợ Điện ảnh sẽ khuyến khích các tài năng trẻ

Quỹ Hỗ trợ Điện ảnh đi vào hoạt động là niềm mong chờ không chỉ của Cục Điện ảnh, đơn vị xây dựng Quỹ mà còn của các nhà làm phim, đặc biệt là các đạo diễn trẻ đang phải tự bươn chải đi tìm vốn đầu tư cho các tác phẩm của mình.

Ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, Quỹ Hỗ trợ Điện ảnh là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy điện ảnh phát triển. Ở Pháp, Quỹ Hỗ trợ Điện ảnh có nguồn thu từ các đài truyền hình. Các đài truyền hình sẽ đầu tư từ 30-35% cho các dự án phim, sau đó các dự án phim này sẽ được trình chiếu trên truyền hình. Ngoài ra, Trung tâm Điện ảnh Quốc gia cũng có hỗ trợ khoảng vài chục % kinh phí cho các dự án phim. Tại Hàn Quốc, Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) xây dựng một quỹ hỗ trợ riêng để giúp đỡ các dự án phim độc lập, còn chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ thông qua phát hành và trình chiếu. Quỹ này thành lập từ năm 2005 và Chính phủ quy định trích 3% tiền mỗi vé xem phim được bán ra để đưa vào Quỹ.

Ở Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ Điện ảnh được khởi động từ LHP Việt Nam lần thứ 17 hồi tháng 12-2011 tại Tuy Hòa (Phú Yên), do Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh phát động. Tiêu chí của Quỹ, theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan, là ưu tiên các bộ phim nghệ thuật mang đậm tính nhân văn, nội dung phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước, có tính nghề nghiệp cao, góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra nước ngoài. Cùng với đó, những dự án đầu tay có chất lượng cao, dự án của các tác giả trẻ triển vọng, có những sáng tạo, tìm tòi mới mẻ, có tính khám phá, giá trị nghệ thuật và có khả năng đi dự giải quốc tế cũng được xem xét hỗ trợ.

Theo Cục trưởng Ngô Phương Lan, ban đầu, có thể thu hút được sự đóng góp của các đơn vị điện ảnh, tuy nhiên để Quỹ hỗ trợ điện ảnh hoạt động về lâu dài, cần phải tạo được nguồn thu thường xuyên và ổn định. Một trong những khả năng được tính đến là trích phần trăm từ tiền vé của các rạp chiếu phim. Trong “Chiến lược phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, có nêu rõ: “Hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện nguồn thu trích tỷ lệ trên doanh thu chiếu phim tại các rạp cho vào Quỹ, 3% đối với phim nước ngoài chiếu tại Việt Nam và 0,5% đối với phim Việt Nam”.

Cuối năm 2012, đề án thành lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh đã được trình chính phủ. Các văn bản soạn thảo về quỹ phối hợp liên bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Tư pháp cũng đã được gửi đi. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện ảnh cũng sẵn sàng đóng góp vốn cho Quỹ, tuy nhiên cho đến nay Quỹ vẫn mới chỉ trên giấy cho nên tiền chưa thể về. Gần 10 năm qua, vấn đề của Quỹ được đưa ra bàn thảo rất nhiều lần, cho đến nay Quỹ vẫn chưa thể hình thành và đi vào hoạt động.

Ông Đỗ Duy Anh, Cục phó Cục Điện ảnh cho biết, việc soạn thảo đề án thành lập Quỹ được trình Chính phủ hai lần và hiện tại sau lần soạn thảo thứ ba đã được đưa lên trình Chính phủ. Vướng mắc lớn nhất của Quỹ là chưa xác định được nguồn thu ổn định, do đề xuất trích 3% doanh thu từ bán vé phim chiếu rạp đưa vào Quỹ lại trái với một số điều luật. “Để Quỹ thông qua, chúng ta sẽ phải điều chỉnh một số điều luật” – ông Đỗ Duy Anh nói.

Việc thành lập Quỹ Hỗ trợ Điện ảnh là rất quan trọng để phát triển điện ảnh, nhất là trong bối cảnh phim Việt bắt đầu lấy lại được niềm tin của khán giả và vươn dậy như hiện nay. “Sẽ có rất nhiều người được lợi khi Quỹ này đi vào hoạt động, từ các nhà làm phim, các nhà sản xuất…, đặc biệt là các nhà làm phim trẻ với những ý tưởng độc đáo, sáng tạo” – ông Đỗ Duy Anh cho biết.

Hiện nay, nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho sản xuất phim ngày càng ít, trong hai năm trở lại đây không có dự án nào được lựa chọn để đầu tư. Vì vậy, khi Quỹ Hỗ trợ Điện ảnh đi vào hoạt động, sản lượng phim Việt Nam cũng có cơ hội tăng cao hơn, bên cạnh việc khuyến khích các tài năng trẻ.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/33817802-quy-ho-tro-dien-anh-se-khuyen-khich-cac-tai-nang-tre.html