Quy định mới về khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự

QĐND - Ngày 17-10-2011, liên Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch số 36/2011/TTLT-BYT-BQP, hướng dẫn việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS), thay thế Thông tư liên tịch số 14/2006/TTLT-BYT-BQP ngày 20-11-2006, sẽ hết hiệu lực từ ngày 22-12-2011. Báo Quân đội nhân dân thông tin đến bạn đọc một số nội dung mới và những thay đổi trong tổ chức khám sức khỏe thực hiện NVQS.

Thông tư liên tịch số 36/2011/TTLT-BYT-BQP (gọi tắt là Thông tư 36) hướng dẫn việc khám sức khỏe thực hiện NVQS gồm: Kiểm tra sức khỏe, sơ tuyển sức khỏe, khám sức khỏe, khám phúc tra sức khỏe, giám định sức khỏe và quản lý sức khỏe công dân Việt Nam trong độ tuổi được gọi làm NVQS tại ngũ; quân nhân dự bị đã xếp trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội và công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự. Thông tư cũng quy định nhiệm vụ cụ thể của cơ quan y tế, cơ quan quân sự, cơ quan quân y các cấp trong khám sức khỏe thực hiện NVQS, trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế trong tổ chức thực hiện.

Khám sức khỏe thực hiện NVQS tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: Đông Vương

Yêu cầu khách quan ban hành thông tư mới

Theo Đại tá Nguyễn Trung Sơn, Phó trưởng Phòng Điều trị, Cục Quân y (Bộ Quốc phòng): Từ khi có Luật NVQS (năm 1981), Cục Quân y luôn làm tốt công tác tham mưu cho Bộ Quốc phòng, phối hợp với Bộ Y tế ban hành các văn bản, thông tư… quy định tiêu chuẩn sức khỏe cũng như việc tổ chức khám sức khỏe NVQS. Các tiêu chuẩn sức khỏe cũng được nghiên cứu điều chỉnh phù hợp với thực tiễn phát triển của quân đội và xã hội, với “mặt bằng” chung về thể lực, sức khỏe của thanh niên và một số bệnh lý thường gặp trong từng thời kỳ. Chẳng hạn, gần đây xuất hiện khá phổ biến bệnh cận thị, tai mũi họng, béo phì…, tác động trực tiếp đến nguồn tuyển quân và công tác khám sức khỏe NVQS…, cần có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Thực tế Thông tư số 14/2006/TTLT-BYT-BQP (gọi tắt là Thông tư 14) qua 5 năm thực hiện đã phát sinh những bất cập, thậm chí “vênh” với một số văn bản quy định hiện hành. Theo Thông tư 14, phòng y tế huyện chủ trì tổ chức hội đồng khám sức khỏe NVQS và tổ chức khám sức khỏe NVQS, trong khi trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa huyện (có nhân lực, trang thiết bị) lại không được quy định về chức năng, nhiệm vụ khám sức khỏe NVQS. Chính vì vậy, khi thực hiện khám sức khỏe NVQS theo Thông tư 14, phòng y tế huyện thường gặp khó khăn trong huy động nhân lực, phương tiện của bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế huyện. Nay tại Thông tư 36, nhiệm vụ của bệnh viện đa khoa huyện được quy định rõ, phát huy được thế mạnh về nhân lực, trang thiết bị; phòng y tế huyện chủ yếu thực hiện chức năng chỉ đạo. Theo đó, bệnh viện đa khoa chủ trì, phối hợp với phòng y tế và ban CHQS huyện xây dựng kế hoạch khám sức khỏe; thành lập hội đồng khám sức khỏe NVQS (trình UBND huyện phê duyệt); cử cán bộ chuyên môn cùng trang thiết bị y tế tham gia hội đồng khám sức khỏe NVQS. Đối với các huyện chưa tách bệnh viện đa khoa độc lập, thì trung tâm y tế huyện được giao đảm trách các nhiệm vụ trên.

Theo Thông tư 14, các đơn vị nhận quân thực hiện thâm nhập “3 gặp, 4 biết”, trong đó có gặp thanh niên chuẩn bị nhập ngũ để nắm về lý lịch, văn hóa, về ngoại hình, sức khỏe, tiền sử bệnh tật… Tuy nhiên, theo Thông tư 167 ngày 19-11-2010 của Bộ Quốc phòng về tuyển quân hằng năm, thì hầu hết các đơn vị không tổ chức “3 gặp, 4 biết”, mà nhiệm vụ này được chuyển giao cho địa phương thực hiện “tròn khâu”. Như vậy, việc quy định đơn vị đi thâm nhập tuyển quân theo Thông tư 14 không còn phù hợp, thậm chí trái với quy định tại Thông tư 167.

Về tiêu chuẩn sức khỏe, thể lực, những năm gần đây, một số bệnh thanh niên thường gặp như tim mạch, huyết áp, khúc xạ mắt (cận thị), béo phì; “mốt” xăm da… ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn tuyển quân, gây khó khăn cho công tác khám tuyển, kết luận sức khỏe, cần được điều chỉnh, quy định lại cho phù hợp.

Những điểm mới và điều chỉnh cần thiết

Công tác sơ tuyển sức khỏe NVQS có vai trò quan trọng, nhưng Thông tư 14 không quy định quy trình sơ tuyển, trách nhiệm cũng chưa rõ. Thông tư 36 xác định, sơ tuyển là một bước trong quy trình tuyển quân. Trước đây, công dân đến tuổi 17 đến đăng ký NVQS lần đầu, có tổ y tế kiểm tra sức khỏe; nay theo quy định mới (gắn với cải cách hành chính), công dân tuổi 17 tự kê khai sức khỏe tại y tế tuyến xã. Lực lượng y tế xã tiến hành sơ tuyển dưới sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của trung tâm y tế huyện, nhằm phát hiện các trường hợp không đủ sức khỏe về thể lực, dị tật, dị dạng và những bệnh lý được miễn làm NVQS; khai thác tiền sử bệnh tật bản thân thanh niên và gia đình; lập danh sách những công dân mắc các bệnh thuộc diện miễn làm NVQS (22 loại bệnh theo quy định tại Thông tư 36), báo cáo hội đồng NVQS xã; đồng thời tổng hợp, báo cáo kết quả sơ tuyển sức khỏe theo quy định. Theo các cán bộ Cục Quân y, Cục Quân lực và một số địa phương, chúng tôi có dịp trao đổi, khi cấp xã làm tốt việc sơ tuyển sẽ góp phần quan trọng giảm tỷ lệ điều khám sức khỏe NVQS, giảm phiền hà, tốn kém, rối bận cho gia đình, địa phương.

Khám sức khỏe thực hiện NVQS tại huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Ảnh: Minh Quang

Thông tư 36 quy định cụ thể và có sự điều chỉnh theo hướng nâng cao tiêu chuẩn về sức khỏe, đồng thời giúp cho việc khám tuyển, kết luận sức khỏe NVQS chính xác hơn. Theo Thông tư 14, khi tiến hành khám sức khỏe, nếu mạch của thanh niên từ 60 đến 80 lần/phút, hội đồng NVQS có thể “xếp” sức khỏe loại 1, 2, hoặc 3. Nay với các bệnh về tim mạch, huyết áp, bệnh lý về răng miệng…, Thông tư 36 quy định rõ, chi tiết các “ngưỡng”, giúp cho việc đánh giá, phân loại sức khỏe khi khám tuyển khách quan, chính xác.

Đối với các thanh niên xăm da, theo quy định tại Thông tư 14, việc phúc tra, kết luận sức khỏe đối với các trường hợp này khi về đơn vị do cơ quan quân y thực hiện; những thanh niên xăm da phần hở ảnh hưởng đến thẩm mỹ và có diện tích hơn 5cm2 sẽ bị loại trả về địa phương. Lợi dụng quy định trên, một số thanh niên cố tình xăm da để trốn tránh NVQS. Nay Thông tư 36 quy định, xăm da không nằm trong tiêu chuẩn sức khỏe, mà thuộc phạm trù chính trị, đạo đức xã hội. Việc phúc tra, kết luận thanh niên xăm da có đủ tiêu chuẩn phục vụ tại ngũ hay không, do cơ quan chính trị phối hợp với cơ quan quân y của đơn vị nhận quân thực hiện…

Theo Đại tá Hoàng Anh Luật, cán bộ Phòng Quân số - chính sách (Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu), việc ban hành Thông tư 36 thay thế Thông tư 14 về khám sức khỏe thực hiện NVQS là rất cần thiết, giúp khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác này, góp phần nâng cao tiêu chuẩn về sức khỏe của thanh niên nhập ngũ.

Thông tư 36 có phạm vi điều chỉnh rộng, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trong xã hội, nên quá trình xây dựng được các cơ quan chức năng tiến hành thận trọng, qua nhiều lần hội thảo, lấy ý kiến đóng góp của các địa phương, đơn vị, các chuyên gia trong và ngoài quân đội. Hằng năm, Bộ Quốc phòng căn cứ số lượng công dân nhập ngũ của Chính phủ và yêu cầu xây dựng quân đội để ban hành quy định cụ thể về tiêu chuẩn sức khỏe cho phù hợp đối với công dân gọi nhập ngũ ở từng khu vực, vùng miền, quân chủng, binh chủng...

Đầu năm 2012, Bộ Quốc phòng sẽ tập huấn Thông tư 36 để tổ chức thực hiện trong năm 2012. Bộ Tổng tham mưu đã có hướng dẫn, chỉ đạo, theo đó tiêu chuẩn sức khỏe tuyển quân đợt 1 năm 2012 vẫn thực hiện theo Thông tư 14; tuyển quân đợt 2 năm 2012 thực hiện theo quy định tại Thông tư 36.

Phạm Quân

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/4/39/39/167984/Default.aspx