Quy định mới đánh giá học sinh tiểu học: Không tạo áp lực thầy và trò

Đánh giá xếp loại học sinh (HS) tiểu học theo phương thức mới đã bắt đầu chính thức được áp dụng ở các trường tiểu học trong cả nước. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này ở các trường vẫn còn rất lúng túng, do Bộ GD-ĐT vẫn chưa có một hướng dẫn cụ thể nào để các trường thực hiện. Điều này cũng làm cho phụ huynh rất lo lắng cho kết quả học tập của con em mình. PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM về vấn đề này.

Thời điểm áp dụng có phù hợp? Ông Lê Ngọc Điệp cho biết, việc Bộ GD-ĐT ban hành thông tư khi đã vào năm học và sắp kết thúc học kỳ 1, tuy có trễ nhưng không ảnh hưởng đến quá trình dạy học, vì thông tư mới (Thông tư 32) là sự tiếp nối của Quyết định số 30/2005/BGDĐT. Mục đích của việc đánh giá xếp loại nhằm khuyến khích HS học tập chuyên cần, phát huy tích tích cực năng động sáng tạo, khả năng tự học của HS, xây dựng niềm tin, rèn luyện đạo đức theo truyền thống Việt Nam. * Phóng viên: Ông cho biết rõ hơn về những điểm mới trong Thông tư 32 về cách đánh giá HS tiểu học? * Ông Lê Ngọc Điệp: Có 5 nội dung đánh giá về hạnh kiểm theo kết quả rèn luyện đạo đức và kỹ năng sống. Về đánh giá và xếp loại học lực, giáo viên phải thực hiện đánh giá thường xuyên và định kỳ. Đánh giá thường xuyên (thông qua kiểm tra miệng, kiểm tra viết, quan sát HS qua hoạt động học tập, thực hành vận dụng kiến thức… được thực hiện ở tất cả các tiết học theo quy định của chương trình). Điểm nổi bật nhất của quy định mới này là điểm học lực môn của HS tiểu học, chỉ được tính bằng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm duy nhất, chứ không tính điểm bình quân của cả 2 học kỳ như trước đây. * Nhiều giáo viên cho rằng, với cách chỉ lấy duy nhất điểm kiểm tra cuối năm làm điểm học lực môn học cho cả năm, cũng sẽ tạo áp lực và không ít rủi ro cho HS? * Quy định cũng chỉ rõ, HS tiểu học có điểm kiểm tra định kỳ bất thường so với kết quả học tập hằng ngày, hoặc không đủ số điểm kiểm tra định kỳ, đều được kiểm tra bổ sung. Ngoài ra việc đánh giá xếp loại kết quả đạt được khả năng phát triển từng mặt của HS. Coi trọng việc động viên, khuyến khích tiến bộ của HS, không tạo áp lực cho giáo viên và HS. Sẽ đảm bảo sự công bằng * Phụ huynh HS lo lắng liệu cách làm mới này có ảnh hưởng đến sự công bằng và quyền lợi của HS? * Ở bậc tiểu học, HS có 4 lần kiểm tra định kỳ là: “Giữa học kỳ 1, cuối học kỳ 1, giữa học kỳ 2, cuối học kỳ 2 (cuối năm). Điểm dùng để xét lên lớp là lần kiểm tra cuối học kỳ 2. Việc làm này đã được áp dụng theo Quyết định số 30/QĐ-BGDĐT từ năm học 2005 – 2006 và vẫn duy trì ở Thông tư 32. Khen thưởng HS cuối năm cũng căn cứ vào điểm kiểm tra học kỳ 2 (cuối năm) mà không lấy trung bình cộng của học kỳ 1 và học kỳ 2 như Quyết định số 30 trước đây. Đây là điểm phụ huynh thắc mắc nhiều nhất, nhưng thực chất là điểm khen thưởng được điều chỉnh cho phù hợp với điểm xét lên lớp. Những năm qua có nghịch lý là 2 điểm này không khớp nhau. Thí dụ: 1 HS có điểm môn Tiếng Việt ở học kỳ 1 là 10, học kỳ 2 là 6 và điểm bài kiểm tra cuối kỳ 2 dưới 4, trung bình cộng (học lực môn Tiếng Việt) là 8, đạt loại khá. Nhưng vì điểm kiểm tra cuối học kỳ 2 là 4, em phải kiểm tra lại. Hoặc ngược lại có em đạt học lực môn cả năm là 6, nhưng điểm kiểm tra cuối học kỳ 2 là 8... nên chỉ lấy điểm kiểm tra cuối học kỳ 2 để xét lên lớp và dùng để khen thưởng cho hợp lý. * Thưa ông, chỉ dựa vào kết quả của kiểm tra cuối học kỳ 2, liệu điều này có tạo áp lực cho các em HS? * Tôi xin khẳng định là không, vì các em học giai đoạn nào kiểm tra giai đoạn đó. Nghĩa là kiểm tra cuối học kỳ 2 là kiến thức các em được học và ôn tập ở các tuần của cuối học kỳ 2. Học sinh nào chưa đạt yêu cầu về hạnh kiểm và môn học sẽ được bồi dưỡng và kiểm tra bổ sung 3 lần/môn vào thời điểm cuối năm học hoặc sau hè. * Giáo viên hiện nay vẫn còn lúng túng khi triển khai, làm sao để khắc phục điều này, thưa ông? * Đánh giá xếp loại là 1 quá trình dạy học phải cùng với đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức hoạt động dạy học. Như đã trình bày, Thông tư 32 không phải mới hoàn toàn, vì từ khi đổi mới chương trình sách giáo khoa cũng đã bắt đầu đổi mới đánh giá xếp loại bằng Quyết định 30. Vì vậy, giáo viên phải nghiên cứu để thực hiện đúng các yêu cầu, chứ không thể nói bỡ ngỡ vì quá mới mẻ. Hiện nay, Bộ cũng đang chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết để thực hiện Thông tư 32. Chúng tôi cũng lưu ý: Sở GD-ĐT TPHCM không yêu cầu giáo viên nâng cao, mở rộng kiến thức vượt quá chương trình, cũng không tạo áp lực lên giáo viên hay đối với HS vì điểm số, mà chúng tôi đang thực hiện dạy học theo định hướng cá thể hóa người học. Điểm số kết hợp với nhận xét để chỉ ra chỗ đúng, sai và khả năng sáng tạo của HS chứ không phải là con số lạnh lùng. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các trường thực hiện Thông tư 32 hiệu quả, không tạo áp lực cho HS, cha mẹ HS yên tâm với kết quả học tập của con em mình LÊ LINH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giaoduc/2010/2/218484/