Quy định của Bộ GD&ĐT 'khuyến khích' sinh viên lười học

Tại hội thảo Thực trạng và các giải pháp cấp thiết củng cố, phát triển các trường đại học (ĐH) cao đẳng (CĐ) ngoài công lập Việt Nam, ngày 22/12, GS Trần Phương – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận xét: Bộ GD&ĐT đã đưa ra những quy định “khuyến khích” sinh viên lười học.

Ba khuyết điểm của Bộ GD&ĐT được GS Trần Phương chỉ ra đó là quy định sinh viên thi hết môn được 5 điểm là đạt. “Khi thi, sinh viên mở sách ra làm bài dễ dàng đạt điển 5. Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT sửa lại quy định đó thành 7 điểm, nếu không sinh viên sẽ lười học”.

Với việc thi các môn có điểm trung bình toàn khóa 6,0 là được, ông Trần Phương đề nghị Bộ tăng lên thành 7,0 để khuyến khích sinh viên học tốt.

GS Trần Phương đang phát biểu tại hội thảo

Thứ nữa, việc Bộ GD&ĐT quy định các trường chỉ cho phép sinh viên có điểm tổng kết toàn khóa học đạt học lực khá, giỏi thì mới được làm luận văn; những người không đạt phải thi là chưa ổn.
Ông Phương cho rằng Bộ GD&ĐT đã buông lơi và kiến nghị tất cả sinh viên trước khi tốt nghiệp phải làm luận văn dài khoảng 30 – 40 trang, phân tích vấn đề của DN, đưa ra ưu khuyết điểm và đề xuất các giải pháp.
Theo ông Phương, chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nội dung đào tạo và thời lượng đào tạo. Bộ yêu cầu các trường nâng cao chất lượng đào tạo nhưng chính sách đưa ra lại không tạo điều kiện để các trường thực hiện được.
Hiện nay nhiều nước áp dụng khung kiến thức 130 tín chỉ cho 4 năm đào tạo ĐH. Bộ GD&ĐT cũng quy định khung kiến thức 120 tín chỉ nhưng nội dung kiến thức lại không giống nhau.
130 tín chỉ của các nước chỉ hướng vào kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Còn 120 tín chỉ của ta, ngoài kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, còn bao gồm nhiều thứ “toàn diện” khác như giáo dục thể chất...
Ngoại ngữ cũng là gánh nặng quá lớn. “Sinh viên không chuyên ngữ thì phải có trình độ B1. Chúng tôi có 10.000 sinh viên, khi vào trường trình độ ngoại ngữ của các em bằng 0, như vậy ở bậc học phổ thông dạy không hiệu quả” – ông Phương thông tin.
Để giúp sinh viên đạt trình độ B1 Tiếng Anh, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã phải dành 36 tín chỉ (tương đương 1 năm học) để dạy môn học này. Như vậy 120 tín chỉ trừ đi 36 tín chỉ ngoại ngữ, số còn lại không nhiều, trong khi các em lại còn phải học nhiều môn “toàn diện” khác nữa thì trách nào sinh viên của ta kém chuyên nghiệp.
“Chúng tôi phải gạn lắm cũng phải đến 150 – 160 tín chỉ, nhưng thu học phí 120 tín chỉ. Tôi đề nghị Bộ cho phép thiết kế lại chương trình đào tạo ĐH”- ông Phương đề nghị.
Về dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ các ngành đào tạo giáo viên năm 2017 không quy định điểm sàn, ông Phương ủng hộ. Bởi việc này nhiều trường, trong đó có ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã đề xuất từ lâu. Hơn nữa, quy định “điểm sàn” bất lợi cho thanh niên dân tộc thiểu số và vùng đồng bằng sông Cửu Long. “Tuy không có điểm sàn nhưng chúng tôi sẽ quy định điểm chuẩn”- GS Trần Phương cho biết.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/quy-dinh-cua-bo-gddt-khuyen-khich-sinh-vien-luoi-hoc-276137.html