Quy định chồng chéo của Ngân hàng và CSGT: Người mua ô tô trả góp lãnh đủ!

Hàng chục ngàn chủ xe ô tô mua theo hình thức trả góp qua ngân hàng đang lo ngại bị lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt bất cứ lúc nào khi lưu thông trên đường vì không có bản gốc giấy tờ xe. Trong khi đó, ngân hàng thì nhất quyết không “nhả” bản gốc do nguy cơ nợ xấu rất cao. Sự chồng chéo trong hoạt động của 2 đơn vị này đang đẩy người tiêu dùng (NTD) vào thế khó.

Chủ phương tiện dù lo ngại nếu không xuất trình được giấy tờ gốc cũng sẽ bị xử phạt.

Ngân hàng cho vay trả góp để mua ô tô, đã trở thành một hình thức rất phổ biến và được đông đảo người dân Việt Nam đón nhận. Song, từ giai đoạn cuối tháng 5 đến nay, người mua ô tô trả góp đang bị đẩy vào thế khó vì những tranh cãi xung quanh Công văn số 3851/NHNN-PC ngày 24/5/2017 của Ngân hàng Nhà nước, quy định về việc bên thế chấp giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông và Điều 323 của BLDS năm 2015, đang hiện hành.

Luật sư Nguyễn Viết Giao - Đoàn Luật sư TP.HCM hiến kế giải quyết sự chồng chéo giữa CSGT và ngân hàng.

Quy định chồng chéo

Điều 323 của BLDS năm 2015 hiện hành quy định, bên nhận thế chấp được quyền “Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Chính vì lẽ đó, các ngân hàng cho vay trả góp mua ô tô hiện nay đều giữ giấy tờ gốc (cơ bản nhất là giấy đăng ký xe) từ chủ phương tiện. Tuy nhiên Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012) lại cho phép bên thế chấp (chủ phương tiện - PV) được giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có công văn số 3851/NHNN-PC ngày 24/5/2017, quy định về việc bên thế chấp giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông. Theo đó, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc quy định về việc bên thế chấp giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã dẫn. Nhưng đến thời điểm này, có rất ít ngân hàng thực hiện theo đúng đề nghị của NHNN. Hầu hết đều vẫn giữ giấy tờ gốc của chủ phương tiện.

Trước kiến nghị của Bộ Công an, NHNN có văn bản đề nghị các ngân hàng và tổ chức tín dụng trả lại giấy tờ gốc cho chủ phương tiện (người vay trả góp mua xe ô tô).

Trong khi đó, trao đổi với PV, đại diện Phòng CSGT đường bộ, đường sắt TP.HCM nói rất ngắn gọn: “Chúng tôi sẽ làm theo đúng chức năng của mình và căn cứ luật để xử phạt. Cũng đã có công văn của NHNN, tôi nghĩ giữa chủ phương tiện và các ngân hàng, tổ chức cho vay nên đi đến sự thống nhất theo hướng có lợi. Về phía mình, nếu phát hiện vi phạm chúng tôi vẫn sẽ xử lý bình thường, đúng luật”.

Nói về lý do mà hầu hết các ngân hàng đều không “nhả” giấy tờ gốc cho chủ phương tiện, ông Trần Tuấn Khiêm (cán bộ Eximbank) cho rằng, nguy cơ nợ xấu là rất cao, trong khi ngân hàng hiện nay vô cùng khó khăn và rất sợ nợ xấu. Ông Khiêm nói: “Tôi nghĩ như thế sẽ rất khó cho ngân hàng, vì đối với hình thức cho vay mua ô tô, thì người vay chỉ có duy nhất giấy tờ gốc là giá trị để thế chấp. Bây giờ buộc trả giấy tờ gốc, nghĩa là chủ phương tiện có thể buôn bán, tặng, cho xe bất cứ lúc nào, tùy thích. Như vậy, người mua lại “nắm cán” ngân hàng là không được. Giả sử, họ bán mất phương tiện, rồi không đóng tiền cho ngân hàng nữa, thì chúng tôi thu nợ bằng cách nào. Nợ xấu cứ thế leo thang, nợ chồng nợ, mà theo tôi là khỏi lấy luôn, ngân hàng coi như mất khoản đó!.”

Những bản sao chứng thực như thế này sẽ không còn giá trị trong thời gian tới.

NTD thiệt đủ đường

Ông Nguyễn Ngọc Bảo Thuấn - TGĐ Kamaz Việt Nam cho biết: “Hiện nay, hình thức trả góp chiếm hơn 50% tổng doanh số bán ra của Kamaz tại thị trường Việt Nam. Hầu hết người mua nhỏ lẻ và các doanh nghiệp vận tải đều không thể bỏ ra một đống tiền để mua xe, mà họ chỉ bỏ khoản nhỏ ban đầu khoảng 20%, hoặc ít hơn con số này để sở hữu một chiếc xe kinh doanh và trả góp dần cho ngân hàng. Điển hình, nếu có 2 tỷ đồng, bạn chỉ mua được 1 chiếc xe (trả đủ tiền). Còn nếu mua trả góp có thể mua đến 5 chiếc, đưa ra kinh doanh rồi thu lợi ngay, tiền thì trả dần trong 5-10 năm. “Tôi đoán, trong 3-5 năm nữa, người ta sẽ chỉ toàn mua trả góp, như nhiều nước trên thế giới đang áp dụng rất thành công. Tuy vậy, nếu mọi thứ diễn biến xấu theo kiểu chồng chéo như hiện nay, người mua bị ngân hàng đè, rồi bị CSGT đè, thì ngành ô tô có thể lâm nguy. Vì khi ngân hàng thoái lui, thì người mua cũng chẳng có!” - Ông Thuần nói.

Đứng trước những lo ngại về cuộc tranh cãi “giấy tờ gốc” của các ngân hàng và CSGT, nhiều chủ phương tiện trả góp cho rằng: Dù ai đúng, ai sai đi nữa, thì trước mắt chỉ thấy NTD thiệt. Bà Vũ Thị Ánh (ngụ Tân Bình, TP.HCM), người đang có 2 chiếc xe giường nằm chạy tuyến Bến xe Miền Đông - Đăk Mil bức xúc nói: “2 chiếc xe của tôi mua theo hình thức trả góp trong 10 năm, bây giờ chỉ mới trả khoảng 20%. Ngân hàng giữ giấy tờ gốc, còn tôi chỉ có bản sao. Xe tôi lại chạy đường dài, qua nhiều trạm kiểm soát giao thông, mà bây giờ lại ra cái quy định oái oăm như vậy thì sao tôi chịu được. Đến trạm nào cũng đón lại phạt, trong khi có xin ngân hàng cũng không đưa giấy gốc, rồi tôi làm sao?”

Ngày 12/7, Thống đốc NHNN đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề nghị Bộ này hoàn thành và trình Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP, đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 11/2012/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định mới sẽ hướng tới việc cho phép bên nhận thế chấp có quyền giữ giấy tờ gốc liên quan đến tài sản thế chấp. Đồng thời, NHNN cũng đã có văn bản (số 5486/NHNN-PC) đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, cho phép người điều khiển phương tiện giao thông được sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký xe, có xác nhận của tổ chức tín dụng.

Hiến kế giải quyết “chồng chéo”

Luật sư Nguyễn Viết Giao - Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: “Trong trường hợp này, các ngân hàng buộc phải trả lại giấy tờ gốc cho chủ phương tiện (người vay). Đồng ý, ngân hàng giữ giấy tờ gốc theo quy định tại Điều 323 BLDS năm 2015 là đúng. Tuy nhiên, điều 323 cũng nêu rõ: “Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

Như vậy, trong trường hợp trên, đã có thêm Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012). Mà nghị định này đã nêu rõ người vay được quyền giữ giấy tờ xe (bản gốc). Để không bị chồng chéo và hướng đến mục tiêu tốt nhất cho NTD, tôi nghĩ các ngân hàng, tổ chức tín dụng… và NTD nên đi đến một thỏa thuận dân sự khác (ngoài giữ giấy tờ gốc phương tiện) miễn sao, thỏa thuận đó không trái pháp luật là được.

Võ Nguyễn - Cao Tuấn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/quy-dinh-chong-cheo-cua-ngan-hang-va-csgt-nguoi-mua-o-to-tra-gop-lanh-du-d59581.html