Quy định bãi đỗ trực thăng trên nóc nhà: Nơi áp dụng từ lâu, nơi bãi bỏ

TP - Nhiều nước trên thế giới, ở cả phương Tây và phương Đông, từ lâu có quy định rằng, nhà cao vài chục mét trở lên phải có bãi đỗ trực thăng trên nóc.

Bãi đỗ trực thăng chủ yếu phục vụ việc sơ tán người khi có hỏa hoạn hoặc các trường hợp khẩn cấp khác. Tuy nhiên, quy định này có nơi bị bãi bỏ vì không còn phù hợp.

ỞẤn Độ, Sở Cứu hỏa thành phố Hyderabad đề xuất một nội dung trong bộ quy chuẩn xây dựng quốc gia. Theo đó, các tòa nhà cao tầng trên 60m bắt buộc phải có bãi đỗ trực thăng. Quy định này có hiệu lực từ năm 1999, nhưng phải đến năm 2007, Hyderabad mới có các tòa nhà cao hơn 60m.

Thành phố Hạ Môn của Trung Quốc quy định, các tòa nhà cao hơn 100m hoặc diện tích sàn trên 1.000m 2 phải có bãi đỗ trực thăng. Theo quy định về an toàn hỏa hoạn, bãi đỗ trực thăng trên nóc các tòa nhà cao tầng không chỉ giúp sơ tán người khi hỏa hoạn xảy ra tại chính các tòa nhà cao tầng mà còn tại nơi gần đó trong trường hợp tắc đường cản trở xe cứu thương, nỗ lực cứu hộ cứu nạn. Các bãi đỗ trực thăng trên nóc nhà không được xây dựng cho mục đích thương mại, nhưng ít khi được dùng đến nên ngày càng có nhiều ý kiến đề nghị chính quyền cho phép sử dụng bãi đỗ cho các mục đích khác.

Bốn thập kỷ trước xảy ra một vụ cháy lớn ở Brazil, nhiều nạn nhân chạy lên mái nhà vẫy trực thăng nhưng máy bay không thể hạ xuống vì không có bãi đáp. Vì thế, năm 1974, thành phố Los Angeles của Mỹ bắt đầu thực thi quy định các tòa nhà cao hơn 23m phải có bãi đáp trực thăng. Từ đó đến nay, thành phố ghi nhận duy nhất một vụ sơ tán bằng trực thăng trên nóc một tòa nhà 62 tầng (vụ việc diễn ra năm 1988). Năm 2014, chính quyền Los Angeles cho phép xây dựng nhà cao tầng không có bãi đáp trực thăng, với điều kiện tòa nhà phải có thêm tính năng an toàn như hệ thống phun nước hiệu quả cao, khu vực chống cháy ở mỗi tầng, các thiết kế ngăn cản lửa lây lan, cho phép con người nhanh chóng thoát ra ngoài qua những lối thoát hiểm an toàn…

Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy Quốc gia Mỹ cho rằng, việc giải cứu trên mái nhà rất nguy hiểm, một phần vì sức nóng từ đám cháy có thể khiến trực thăng bay không ổn định, khó kiểm soát. Ngoài ra, việc bãi bỏ quy định bắt buộc có bãi đỗ trực thăng giúp các tòa nhà cao tầng có hình dáng nóc khác biệt, đẹp mắt, thay vì chỉ toàn mái bằng đơn điệu.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/the-gioi/quy-dinh-bai-do-truc-thang-tren-noc-nha-noi-ap-dung-tu-lau-noi-bai-bo-1053173.tpo