Quỹ đất đường sắt VN bị chia 5 sẻ 7 kiểu 'cha chung không ai khóc'

ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng: "Quỹ đất của đường sắt Việt Nam bị chia 5 sẻ 7 kiểu cha chung không ai khóc, cần đổi mới quyết liệt và tạo động lực thúc đẩy ngành đường sắt hướng ra cơ chế thị trường".

Ngày 18/11, phiên làm việc tại hội trường, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Đa số ý kiến ĐBQH đồng tình với việc cần sửa đổi Luật cho phù hợp với tình hình mới.

ĐB Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng, Quốc hội cần quan tâm tới kiến nghị của ĐB Nguyễn Đức Kiên về đầu tư trung hạn, bố trí một khoản nhỏ trong gói 80 nghìn tỉ đồng cho nghiên cứu khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Để sau năm 2020 có điều kiện có thể phát triển, triển khai dự án và phải có chính sách giữ cho được quỹ đất để xây dựng đường sắt tốc độ cao sau này.

ĐB Nguyễn Phi Thường phát biểu về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

“Đây là một vấn đề vô cùng nhức nhối, khi quỹ đất của đường sắt Việt Nam bị chia 5 sẻ 7 kiểu "cha chung không ai khóc", bởi rất nhiều lý do. Cần đổi mới quyết liệt và tạo động lực thúc đẩy ngành đường sắt hướng ra cơ chế thị trường, tách bạch Nhà nước, sản xuất, kinh doanh. Có lộ trình tách bạch kinh doanh hạ tầng và kinh doanh vận tải đối với đường sắt quốc gia để thu hút các nguồn lực có chính sách ưu đãi rõ hơn, đẩy mạnh khai thác lợi thế các nhà ga”, ĐB Thường nói.

ĐB Thường cũng nêu vấn đề ùn tắc giao thông đô thị ở Hà Nội, TP.HCM đang ngày càng trầm trọng. Một trong những giải pháp căn cơ được trông đợi là việc đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị. Hiện nay, một số dự án đang được triển khai xây dựng và sắp tới sẽ vận hành, do đó dự luật cần đưa ra các chế định.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) quan tâm đến vấn đề đường ngang dân sinh, cho rằng, nên thay đổi từ ngữ “lối đi dân sinh” thành “lối đi tự mở” sẽ hợp lý hơn. “Trên thực tế, hiện nay toàn mạng đường sắt có hơn 4.300 lối đi tự mở qua đường sắt chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng đó lại là nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân.

Vì chưa được cho phép mở mà cứ mở, cứ đi lại nên không có cảnh giới và chốt gác, gây nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao. Thực tế, 90% các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các đường giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, trong 80% xảy ra tại các đường dân sinh bất hợp pháp.

Tôi đề nghị việc xử lý, quản lý, cảnh giới, chốt gác tại các lối đi dân sinh phải giao trách nhiệm chính cho ngành giao thông vận tải và các doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt. Các địa phương chỉ là đơn vị phối hợp chứ không phải trách nhiệm chính”, ĐB Hồng Hà đưa quan điểm.

ĐB Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước) góp ý vào vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường và vệ sinh môi trường trong hoạt động đường sắt, cho rằng: “Thực tế, vệ sinh môi trường ở những khu vực giao thông đường sắt đi qua và xử lý rác thải, chất thải trên các chuyến tàu dài Bắc - Nam chưa hợp lý, thậm chí vứt, thải ra môi trường tùy tiện. Ai sẽ kiểm soát và quản lý, xử lý vấn đề này và chất lượng dịch vụ vệ sinh, sinh hoạt ăn uống trên các chuyến tàu nhằm phục vụ tốt hơn cho khách hàng. Đề nghị vấn đề này thể hiện rõ hơn trong Luật để chúng ta triển khai, thực hiện sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm trong tổng số 80 nghìn tỉ đồng dự tính phân bổ cho các dự án trọng điểm quốc gia theo Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, cần giành vốn cho một dự án trọng điểm đó là dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt năm 2015.

Việc cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có không chỉ giúp giảm chi phí vận tải, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước mà còn giúp cho ngành công nghiệp đường sắt phát triển, giúp nội địa hóa tối đa dự án đường sắt tốc độ cao là tiền đề để chúng ta tiến tới làm chủ công nghệ các công trình giao thông đường sắt trong cả nước.

“Ngành đường sắt phát triển hay không còn phụ thuộc không nhỏ vào quyết tâm của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức của Bộ Giao thông Vận tải trong nhiệm kỳ này. Trong đó, việc đảm bảo phát triển cân đối hài hòa giữa các chuyên ngành giao thông vận tải trong phát triển tổng thể ngành giao thông vận tải là hết sức quan trọng”, ĐB Cảnh nói.

Thu Dương

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/quy-dat-duong-sat-vn-bi-chia-5-se-7-kieu-cha-chung-khong-ai-khoc-a306763.html