Quốc vương Thái Lan băng hà, chính sách tái cân bằng của Mỹ gặp khó

Hãng tin Reuters dẫn lời giới phân tích cho rằng sự kiện Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej băng hà càng gây thêm khó khăn cho chính sách tái cân bằng tại châu Á của Tổng thống Obama vốn đã không được thuận lợi.

Người dân Thái Lan với di ảnh Quốc vương Bhumibol Adulyadej - Ảnh: AP

Quốc vương Bhumibol Adulyadej giữ vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy mối quan hệ Mỹ - Thái Lan từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Đối với Mỹ, mối quan hệ với Bangkok là hết sức quan trọng để tiếp tục duy trì ảnh hưởng của Washington tại khu vực.

Sự kiện Quốc vương Thái Lan băng hà xảy ra đúng lúc Tổng thống Obama đang nỗ lực triển khai chính sách tái cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực.

Trong thời gian qua, chính sách tái cân bằng của ông Obama liên tục gặp nhiều khó khăn. Một công cụ cốt lõi trong chính sách tái cân bằng của Tổng thống Obama là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng TPP cho đến nay vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua. Nhiệm kỳ của ông Obama sắp kết thúc trong khi cả 2 ứng cử viên tổng thống Mỹ lần này đều từng tuyên bố chống lại TPP.

Ngoài ra, nước đồng minh lâu đời khác của Mỹ tại Đông Nam Á là Philippines gần đây lại có dấu hiệu xích lại gần hơn với Trung Quốc. Tổng thống Rodrigo Duterte trong thời gian qua liên tục công kích Washington.

Các quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia và Malaysia lại đang tập trung vào các vấn đề nội bộ và tránh tham gia quá nhiều vào việc chung của ASEAN.

Một đồng minh khác của Mỹ trong khu vực là Úc cho thấy đang tránh có những động thái làm phật lòng Bắc Kinh, từ đó ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giao thương giữa 2 nước.

Về phía Thái Lan, trong vài năm qua Bangkok cho thấy đã ít tham gia vào các vấn đề trong khu vực sau khi quân đội lên cầm quyền vào năm 2014. Sau khi Quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà, Thái Lan có lẽ sẽ càng tập trung hơn nữa vào tình hình trong nước, trong đó có việc truyền lại ngôi vua.

Thái tử Maha Vajiralongkorn trên nguyên tắc sẽ là người kế vị Quốc vương Bhumibol Adulyadej. Tuy nhiên, ông lại không thân với Mỹ bằng cha của mình, người được sinh ra tại Cambridge (bang Massachusetts).

Cựu cố vấn về châu Á của Tổng thống Obama là Evan Medeiros phân tích việc Quốc vương Bhumibol Adulyadej qua đời sẽ càng khiến tiến trình khôi phục chính quyền dân chủ tại Thái Lan bị chậm trễ. Ông đánh giá Thái tử Vajiralongkorn cũng là một nhân tố khó đoán.

Chuyên gia Murray Hiebert thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định tình hình châu Á đã có quá nhiều thay đổi từ khi Tổng thống Obama tuyên bố sẽ thực hiện chính sách xoay trục vào năm 2011.

Theo phân tích của chuyên gia Hiebert, khi chính sách xoay trục được ông Obama công bố, Mỹ lập tức nhận được sự ủng hộ của Thái Lan, Malaysia và của Tổng thống Philippines Aquino. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây nhiều thứ đã đổi khác.

Ông nhận xét: “Cái chết của Quốc vương Thái Lan càng khiến tình hình tại Đông Nam Á thêm mù mờ. Việc này sẽ càng gây khó khăn cho nỗ lực tái cân bằng của Mỹ tại châu Á, chủ yếu do nhiều nước trong khu vực hiện nay đang trong tình trạng chỉ biết chờ đợi và theo dõi những gì sắp diễn ra”.

Việc Quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà có lẽ sẽ khiến Mỹ phải chuyển sang dựa nhiều hơn vào mối quan hệ với Việt Nam để tiếp tục cạnh tranh ảnh hưởng tại Đông Nam Á.

Ngày 11.10, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho rằng: “Việt Nam mang lại nhiều năng động cho các đối sách chiến lược của Mỹ” vào lúc các nước Đông Nam Á khác đang phải tập trung vào các vần đề nội bộ.

Đại sứ Osius nói: “Indonesia đang phải tập trung vào các vấn đề nội bộ, Thái Lan cũng vậy. Malaysia thì lại đang gặp khủng hoảng chính trị. Tôi không rõ Philippines đang đi theo hướng nào... Tôi không nghĩ Mỹ có thể dựa vào Lào, Campuchia hoặc Myanmar để tham gia đề ra sách lược tại Đông Nam Á”.

Huỳnh Hy (theo Reuters)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/quoc-vuong-thai-lan-bang-ha-chinh-sach-tai-can-bang-cua-my-gap-kho-45037.html