Quốc phòng, an ninh bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ mới

(VOV) - Quan điểm trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI thể hiện, Đảng ta tiếp tục hoàn thiện lý luận về quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN

Phát triển kinh tế biển kết hợp tăng cường quốc phòng, an ninh Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI, Đảng ta đã xác định: “Mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ Xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Phát triển đường lối, nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân và lý luận, khoa học an ninh nhân dân. Chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh”1. Quan điểm trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI nêu trên thể hiện, Đảng ta tiếp tục hoàn thiện lý luận về quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, thông qua tổng kết thực tiễn 25 năm đổi mới. Những điểm bổ sung và phát triển mới vừa có ý nghĩa hoàn thiện lý luận vừa có giá trị chỉ đạo thực tiễn cao. Vì thế cần được quán triệt sâu sắc trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Sức mạnh quốc phòng, an ninh trong quan hệ quốc tế Ngày nay sức mạnh (nội sinh) tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị của nước ta đã có bước phát triển vượt bậc mà các giai đoạn chiến lược trước đây chưa hề có, nhất là vị thế Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Mặt khác, tính chất thời đại đang xuất hiện và chuyển biến tích cực theo hướng có lợi cho xu thế hòa bình và CNXH, đó là thời đại hội nhập kinh tế quốc tế; sự xuất hiện ngày càng rõ nét hơn của nền kinh tế tri thức; trào lưu CNXH Mỹ Latin; sự khủng hoảng của Chủ nghĩa tư bản hiện đại… Vì thế, quan hệ quốc tế đã được Đảng ta coi là một trong những nhân tố tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Văn kiện đã nhấn mạnh: Phải “Chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh”1. Có như vậy mới vận dụng có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong giai đoạn chiến lược mới. Đặc biệt là bảo vệ độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Xây dựng “thế trận lòng dân” Ngày nay, nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh không chỉ ở tiềm lực, cơ chế mà còn ở thế trận, trong đó “thế trận lòng dân” có vai trò cực kỳ quan trọng. Vì vậy, Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng đã nhấn mạnh: “Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc”2. Trong thời kỳ chiến lược mới đến năm 2020, khái niệm nhân dân cũng có sự phát triển mới đa dạng hơn nhiều so với các thời kỳ trước đây. Ngoài các lợi ích chung, lợi ích cộng đồng dân tộc còn có sự khác nhau về vị thế, nhận thức và đặc biệt là các cung bậc lợi ích kinh tế - xã hội… do nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế đưa lại, đòi hỏi phải có sự đồng thuận xã hội ở cấp độ cao hơn. Vì thế, các lực lượng vũ trang nhân dân được nhân dân tin yêu là chưa đủ mà cần phải xây dựng được “thế trận lòng dân” vững mạnh. Có như vậy, quân đội nhân dân và công an nhân dân mới thực sự trở thành nòng cốt trong sự nghiệp toàn dân bảo vệ Tổ quốc. Phạm vi, đối tượng bảo đảm của công nghiệp quốc phòng Trong Văn kiện Đại hội lần thức XI, Đảng ta đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại, trước hết là cho lực lượng hải quân, phòng không, không quân, lực lượng an ninh, tình báo, cảnh sát cơ động”2. Với cụm từ “nền công nghiệp quốc phòng, an ninh” trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI đã làm cho mục tiêu, phạm vi, đối tượng phục vụ được mở rộng hơn trước, không chỉ có các thứ quân như quan niệm truyền thống mà bao gồm nhiều lực lượng: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng; cảnh sát biển, công an nhân dân, dân quân tự vệ, an ninh nhân dân; các lực lượng tham gia bảo vệ tổ quốc, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội; và các lực lượng bảo đảm an ninh phi truyền thống. Vì thế, cần phải điều chỉnh chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng trước đây thành chiến lược phát triển nền công nghiệp quốc phòng, an ninh cho phù hợp với thời kỳ mới. Chiến lược đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh Ngày nay công nghiệp quốc phòng nòng cốt của nước ta đã có những bước tiến mới quan trọng để có thể tự chế tạo sản phẩm quân sự, quốc phòng trong nước với quy mô lớn hơn và chất lượng cao hơn, nhằm tăng cường tính độc lập tự chủ, tự lực tự cường trên lĩnh vực công nghệ quân sự. Chúng ta không chỉ dừng lại ở mua sắm, lắp giáp mà “Cần phải… nhanh chóng phát triển công nghiệp quốc phòng, kết hợp nâng cao trình độ huấn luyện bộ đội với nghiên cứu cải tiến, đổi mới vũ khí trang bị, kỹ thuật phù hợp với yêu cầu tác chiến mới”3. Vì thế, cần có chiến lược đầu tư thỏa đáng để tạo ra sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh mũi nhọn đáp ứng nhu cầu của nghệ thuật và phương thức tác chiến mới. Đột phá vào lĩnh lực tinh khôn hóa vũ khí trang bị mang vác hiện đại, phát huy hiệu quả của chiến tranh nhân dân và nghệ thuật tác chiến của lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, sẵn sàng đánh thắng địch trong điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Tham gia cộng đồng an ninh quốc tế Với vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế hiện nay, việc tham gia cộng đồng an ninh quốc tế là một nhu cầu và là nghĩa vụ quốc tế, vì thế chúng ta cần sớm bổ sung, hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, theo nguyên tắc tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Tiếp tục đổi mới cơ chế tổ chức và chính sách, tăng cường vai trò quản lý của nhà nước đối với công nghiệp quốc phòng, an ninh, vai trò tư vấn của các cơ quan bộ, ngành và các doanh nghiệp có năng lực tham gia sản xuất sản phẩm và dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh. Có chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài, công nghệ tiên tiến cả trong và ngoài nước để phát triển ngành mũi nhọn của công nghiệp quốc phòng, an ninh. Chuẩn bị tốt các yếu tố để đảm bảo cho Việt Nam tham gia Hội đồng công nghiệp quốc phòng ASEAN, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc và Cộng đồng An ninh ASEAN vào năm 2015./. Nguyễn Nhâm Tài liệu tham khảo: 1. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, tr9 2. Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XI của Đảng…, tr35 3. Phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam và 33 năm ngày QPTD (21/12/2009).

Nguồn VOV: http://vov.vn/home/quoc-phong-an-ninh-bao-ve-to-quoc-trong-thoi-ky-moi/20116/178847.vov