Quốc lộ 1A khu vực miền Trung : Cứ 67m có 1 vụ lấn chiếm lộ giới

Cách đây 1 năm, tuyến QL1A từ Đà Nẵng đi Nha Trang đã được Khu quản lý đường bộ 5 thí điểm thống kê, đo đạc và cưỡng chế các trường hợp vi phạm trong lộ giới từ 5-7m. Tuy nhiên, đến nay, tại hầu hết các địa phương có tuyến QL1A đi qua, tình trạng tái lấn chiếm lại diễn ra...

Gian nan giải tỏa Theo thống kê của Khu quản lý đường bộ 5, trên hành lang an toàn đường bộ với tổng chiều dài 535km đi qua khu vực 6 tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, con số vụ vi phạm rất lớn. Cụ thể: TP Đà Nẵng có 77 vụ vi phạm trên diện tích 2.800m²; Quảng Nam có trên 6.000 vụ/300.000m²; Quảng Ngãi trên 8.000 vụ/gần 332.000m², còn Bình Định vọt lên trên 8.500 vụ/262.000m², Phú Yên gần 4.700 vụ/212.000m². Đặc biệt, Khánh Hòa có gần 9.000 vụ vi phạm/386.000m². Tổng số các vụ vi phạm ở các địa phương này trước thời điểm tháng 12-1999 lên trên 33.000 vụ. Nếu tính chung các vụ vi phạm ở cả giai đoạn từ trước năm 1999 đến nay, con số còn lớn hơn rất nhiều với gần 36.400 vụ vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ với diện tích trên 1,4 triệu km². Lấy tổng các vụ vi phạm chia cho quãng đường mà đơn vị này quản lý thì cứ 0,067km (67m) lại có một vụ vi phạm! Trong quá trình thực hiện Quyết định 1856/QĐ-TTg về lập lại trật tự an toàn giao thông đường bộ, kết thúc giai đoạn 1, tại Quảng Nam và TP Đà Nẵng mới chỉ có 6 trường hợp xây dựng nhà cấp 4 vi phạm bị xử lý. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo lãnh đạo Khu quản lý đường bộ 5, là do việc triển khai Quyết định 1856 ở các địa phương chậm, không đúng theo lộ trình. Tình trạng này phổ biến tại Quảng Ngãi, các huyện Hoài Nhơn, Tuy Phước và TP Quy Nhơn của tỉnh Bình Định, huyện Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa). Tái lấn chiếm Dọc tuyến QL1A, ở những nơi đông dân cư như thị trấn, thị xã chính là những nơi bị lấn chiếm nhiều và dày đặc nhất. Trên những đoạn đường này, người dân lấn chiếm ra sát mặt đường để mở cửa hàng kinh doanh buôn bán các loại hàng hóa. Khu vực thị trấn Châu Ổ (tỉnh Quảng Ngãi), mặc dù là “điểm đen” về tai nạn giao thông, nhưng lại là một trong những điển hình về tình trạng chiếm mặt đường để cơi nới nhà cửa, xây ki-ốt kinh doanh. Dọc tuyến QL1A theo hướng Nam, không chỉ các hộ dân mà ngay cả các doanh nghiệp, rồi trụ sở của các hội đoàn thể, xã, phường, thị trấn cũng bỏ qua mọi quy định của Nhà nước khi xây dựng trong phần diện tích giới hạn hành lang an toàn đường bộ. Rõ ràng nhất là đoạn qua thị trấn An Nhơn (tỉnh Bình Định), đoạn đường dài hơn 1km nhưng các hộ dân lấn chiếm, dựng kệ bán rượu tràn lan. Ngược ra thị trấn Núi Thành, Duy Xuyên (Quảng Nam) thì chợ lấn lòng đường; tại thị trấn Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) các cửa hàng bán tôm chua, gỗ chèn bánh xe cũng “xông” thẳng ra mặt đường… Để xảy ra tình trạng này, ông Phan Thái, Phó Tổng giám đốc Khu quản lý đường bộ 5 cho rằng có 3 nguyên nhân: “Thứ nhất, nhiều hộ gia đình xem tuyến quốc lộ như một đường phố, họ lấn ra đường để kinh doanh và chấp nhận nộp phạt, chứ không tháo dỡ. Thứ hai, việc phát hiện, ngăn chặn của cơ quan quản lý đường bộ chưa kịp thời, thiếu cương quyết. Thứ ba là sự quản lý của chính quyền địa phương, chủ yếu là vai trò của cấp huyện còn nhẹ, không đồng bộ”. Ông Thái cũng cho rằng, trong thời gian tới, để đạt hiệu quả cao, cần thực hiện giải tỏa đến đâu cắm cọc tiêu đến đó để hạn chế, tiến tới ngăn chặn tình trạng tái lấn chiếm. Ngoài ra, một yếu tố căn cơ khác góp phần chấm dứt tình trạng lấn chiếm là thu hồi đất sau khi đã đền bù giải tỏa; đấu nối các đường gom tập trung các hộ kinh doanh; bố trí tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa; tiếp tục tuyên truyền để nâng cao ý thức về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ; ngăn chặn từ đầu các hiện tượng vi phạm như đổ đất làm nhà, công trình. Đồng thời, khi đã có biên bản xử phạt, cấp huyện phải giải quyết kịp thời mới đủ sức răn đe. Hà Minh

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thongtincanuoc/2009/7/198255/