Quốc hội thông qua Luật Đấu giá tài sản

Chiều 17-11, với 84,41% tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Luật Đấu giá tài sản.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh đọc báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.

Trước đó, giải trình tại QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến đồng tình quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC).

Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị không quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan đến đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để đảm bảo cơ chế thị trường và nguyên tắc đấu giá theo quy định của Luật này.

Cho ý kiến về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nhiều ý kiến của ĐBQH, giữ quy định tại Mục 3 Chương IV về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam; đồng thời, bổ sung tại một số điều, khoản quy định chung như trong dự thảo Luật một cách chặt chẽ, minh bạch, khách quan, tránh thất thoát tài sản Nhà nước.

Quy định này cũng góp phần tăng cường trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và cơ quan có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm nợ xấu của tổ chức này.

Liên quan đến quy định chuyển tiếp tại Điều 80 vì Luật Phí và lệ phí không quy định về thù lao dịch vụ đấu giá mà nội dung này được quy định trong Luật Giá đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có giải trình cụ thể.

Theo đó: Luật Giá được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20-6-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013. Vào thời điểm này, phí đấu giá tài sản đang được quy định tại Pháp lệnh về phí và lệ phí nên Luật Giá không có quy định về giá dịch vụ đấu giá tài sản. Luật phí và lệ phí đã được Quốc hội khóa XIII xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 11-2015) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017, trong đó đã bỏ quy định về phí dịch vụ đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, trong đấu giá tài sản nhà nước và tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá (tài sản thi hành án, tang vật…) thì thù lao dịch vụ đấu giá do Nhà nước và người có tài sản thanh toán, do vậy, không thể để các tổ chức dịch vụ được thỏa thuận theo cơ chế thị trường như đấu giá tài sản tự nguyện của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, dự thảo Luật Đấu giá tài sản được xây dựng theo hướng quy định thay thế phí dịch vụ đấu giá tài sản thành thù lao dịch vụ đấu giá, theo đó, khoản 1 Điều 66 quy định trường hợp đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá thì thù lao dịch vụ đấu giá được xác định theo cơ chế giá dịch vụ theo khung do Bộ Tài chính quy định, cơ chế giá dịch vụ khung không áp dụng đối với tài sản tự nguyện bán đấu giá của cá nhân, tổ chức.

Dự kiến dự án Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2017. Trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2017 đến ngày 1-7-2017 sẽ không có văn bản pháp luật điều chỉnh việc thu phí dịch vụ đấu giá tài sản. Để tránh khoảng trống về mặt pháp lý, đảm bảo xử lý tài sản kịp thời, đặc biệt tài sản nhà nước và tài sản thi hành án, quy định tại khoản 4 Điều 80 cho phép các tổ chức đấu giá tài sản được thu phí dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định pháp luật hiện hành cho đến ngày Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành.

Minh Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/quoc-hoi-thong-qua-luat-dau-gia-tai-san.aspx