Quốc hội thảo luận về dự án Luật về hội

Sáng nay (25/10), theo chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật về hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật về hội.

Hội do Đảng, Nhà nước chỉ đạo thành lập thì Nhà nước tiếp tục cấp kinh phí

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật về hội do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ các nội dung được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật bao gồm: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quy định về chính sách tài chính đối với hội; những trường hợp bị hạn chế quyền lập hội; điều kiện thành lập hội, phạm vi hoạt động của hội; quy định cơ quan quản lý nhà nước về hội…

Liên quan đến chính sách tài chính đối với hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã quy định chính sách đối với hội phù hợp với chủ trương của Đảng và thống nhất với Luật ngân sách nhà nước.

Theo đó, đối với các hội do Đảng, Nhà nước có nhu cầu, chỉ đạo thành lập và giao thực hiện các nhiệm vụ thì Nhà nước tiếp tục cấp kinh phí. Đối với các hội đã được giao biên chế, kinh phí hoạt động giữ ổn định đến hết năm 2016; từ năm 2017 đến năm 2020 từng bước thực hiện khoán kinh phí hoạt động cho hội theo lộ trình phù hợp, tiến tới thực hiện nguyên tắc tự trang trải kinh phí, Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo nhiệm vụ được giao. Đối với các hội còn lại hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải kinh phí hoạt động, Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ được giao.

Về các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội, dự thảo Luật lần này tiếp thu, chỉnh lý theo hướng cán bộ, công chức và những người đang làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân không được sáng lập, đăng ký thành lập, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền phân công. Đồng thời, để bảo đảm với quy định tương ứng trong Luật cán bộ, công chức liên quan đến bí mật nhà nước, dự thảo Luật cũng quy định: cán bộ, công chức làm việc trong một số ngành, lĩnh vực và những người làm việc trong lực lượng vũ trang liên quan đến bí mật nhà nước thì sau 5 năm kể từ ngày nghỉ hưu hoặc thôi làm nhiệm vụ đó, mới được tham gia sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội.

Không áp dụng Luật về hội đối với 6 tổ chức chính trị - xã hội

Về đối tượng áp dụng (Điều 2), ông Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo Luật trình Quốc hội (khóa XIII) giao Chính phủ quy định việc áp dụng luật này đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia hoạt động hội tại Việt Nam, tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký và hoạt động tại Việt Nam và tổ chức phi chính phủ trong nước.

Ông Nguyễn Khắc Định cho biết thêm, về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị luật này không nên áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức nói trên vì Hiến pháp chỉ quy định quyền lập hội của công dân Việt Nam. Loại ý kiến thứ hai tán thành quy định trên của dự thảo Luật nhưng để bảo đảm rõ ràng, minh bạch thì không giao Chính phủ quy định mà phải quy định ngay trong luật.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, do phạm vi điều chỉnh của luật được xác định rõ là chỉ quy định về quyền lập hội của công dân Việt Nam, do đó việc không áp dụng Luật này đối với các cá nhân, tổ chức nói trên là phù hợp, các chủ thể này sẽ do các văn bản pháp luật khác điều chỉnh. Vì vậy, đối tượng áp dụng được tiếp thu, chỉnh lý như sau: “Luật này áp dụng đối với hội, công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, hoạt động và quản lý nhà nước về hội ” (khoản 1 Điều 2)” – ông Nguyễn Khắc Định cho biết.

Dự thảo luật trình Quốc hội (khóa XIII) quy định Luật về hội không áp dụng đối với: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Định cho biết có hai loại ý kiến, loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định của dự thảo Luật là không áp dụng luật này đối với các tổ chức chính trị - xã hội được quy định tại Điều 9 của Hiến pháp. Loại ý kiến thứ hai đề nghị, Luật về hội cần điều chỉnh đối với tất cả các tổ chức hội, trong đó bao gồm cả các tổ chức chính trị - xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc không áp dụng luật này đối với 6 tổ chức chính trị - xã hội là phù hợp với lịch sử phát triển và vai trò đặc biệt quan trọng của các tổ chức đó, phù hợp với thể chế chính trị của nước ta. Hơn nữa, một số tổ chức này đã có văn bản pháp luật điều chỉnh riêng như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật công đoàn, Pháp lệnh cựu chiến binh. Vì vậy, dự thảo Luật được tiếp thu chỉnh lý theo loại ý kiến thứ nhất, quy định rõ trong Luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội và đây cũng là việc luật hóa quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP nhằm bảo đảm sự minh bạch và tránh gây hiểu lầm trong quá trình thi hành luật.

Dự thảo Luật về Hội quy định: Hội được thành lập khi đủ các điều kiện sau :

1. Có tên của hội theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật này;

2. Có tôn chỉ, mục đích của hội phù hợp với quy định của pháp luật;

3. Phạm vi, lĩnh vực hoạt động của hội được xác định rõ theo ngành, nghề, lĩnh vực quản lý nhà nước;

4. Có trụ sở đặt tại Việt Nam;

5. Có dự thảo điều lệ hội;

6. Có từ 07 sáng lập viên trở lên.

Sáng lập viên là người không thuộc trường hợp bị hạn chế quyền lập hội quy định tại Điều 8 của Luật này, từ đủ 18 tuổi trở lên, có sức khỏe và uy tín trong lĩnh vực hội dự kiến hoạt động;

7. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-ve-hoi-post212276.info