Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi của Bộ Luật Hình sự

Ngày 26.10, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13. Tại buổi thảo luận khá nhiều đại biểu (ĐB) tranh luận về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Q.H

Bố mẹ chỉ biết kiếm tiền mà không quan tâm đến trẻ

Về quy định không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm Tội cố ý gây thương tích hoặc Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 139) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng. Chỉ chịu trách nhiệm hình sự thuộc trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng.

Cho ý kiến về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đồng tình với nội dung trên và cho rằng, trẻ em ở tuổi 14 - 16 thực sự là chưa hoàn thiện nhân cách, vì vậy, ở tuổi này chưa đủ chín, chưa đủ khôn để quyết định những hành vi của mình.

Bà Hoa băn khoăn về vấn đề đạo đức xã hội, những ứng xử trong xã hội giữa người lớn với người lớn sẽ có những tác động đến trẻ.

Bà Hoa cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của gia đình, của nhà trường trong việc quản lý, giáo dục trẻ. “Có một nghiên cứu của Học viện cảnh sát nhân dân về hoàn cảnh gia đình phạm tội có đưa ra số liệu, đối với tội phạm vị thành niên thì 11% là do bố mẹ ly hôn, 29% là do bố mẹ không đáp ứng nhu cầu, 5% là do bố mẹ từ chối nuôi dưỡng và đến 45% là do bố mẹ chỉ biết kiếm tiền mà không quan tâm đến trẻ con. Những con số này cũng đủ để nói lên việc trẻ phạm tội thì trách nhiệm bao nhiêu thuộc về trẻ và bao nhiêu thuộc về người lớn” - bà Hoa nói.

Đồng quan điểm trên ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, quan điểm nhân đạo trong xử lý tội phạm vị thành niên đã thể hiện nhất quán trong quá trình xây dựng pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế và các công ước mà Việt Nam tham gia. Vì vậy, ông Tám nhất trí với quy định không xử lý hình sự đối với người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến người khác, tội hiếp dâm, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

“Chỉ quy định trách nhiệm hình sự của đối tượng này trong trường hợp một số tội rất nghiêm trọng do cố ý và phạm tội, tội đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời phải tăng cường các mức hình phạt khác, như đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục… để ngăn ngừa các hành vi phạm tội” - ông Tám nói.

Không đồng tình với ý kiến trên ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng: Nếu nhân đạo với người phạm tội thì không nhân đạo với người bị hại. Thời gian qua có nhiều vụ gây thương tích rất nghiêm trọng, trong đó người vị thành niên phạm tội có xu hướng gia tăng, nhiều vụ có tính chất phức tạp, mức độ vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài cho sức khỏe của người bị hại. “Bộ luật Hình sự phải đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm bởi tội phạm trong thanh thiếu niên đang ở mức báo động như hiện nay” - bà Phúc nói.

Bổ sung các loại cây có chứa chất ma túy vào danh mục để xử lý

Về quy định bổ sung chất ma túy XLR-11 (được tẩm trong cỏ Mỹ) và lá cây Khat (có chứa chất ma túy Cathinone); đồng thời, cũng tán thành việc bổ sung quy định “các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc danh mục do Chính phủ ban hành” vào BLHS, ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đồng tình với quy định trên và cho rằng thực tiễn cho thấy, tội phạm về ma túy thời gian qua diễn biến khó lường và có khả năng sẽ xuất hiện nhiều loại cây, lá, hoa, quả… có chứa chất ma túy nên cần phải có quy định mang tính dự báo để vừa bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, vừa bảo đảm chặt chẽ, không bị lạm dụng.

ĐB Sùng A Hồng (Điện Biên) đề nghị việc quy định các loại cây có chứa chất ma túy nên quy định hướng mở. Vì trong tự nhiên sẽ còn rất nhiều loài cây chứa chất ma túy hoặc chất gây nghiện. Nếu sau này chúng ta phát hiện cây mới, chất mới thì giao cho Chính phủ quy định là phù hợp, như vậy tuổi thọ của luật sẽ cao hơn.

Giải trình ý kiến của đại biểu tại phiên họp Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - cho biết: Ngoài 141 điều mà ban soạn thảo đã trình, hôm nay các đại biểu phát biểu sửa đổi bổ sung 75 điều nữa. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ để có phương án tiếp thu, giải trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Đây là bộ luật lớn, liên quan trực tiếp quyền con người của công dân nên ĐBQH phải làm rất kỹ, rất thận trọng, đảm bảo tốt nhất. Rất nhiều ĐBQH đã phát biểu đề nghị cần trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 3. Tiếp thu ý kiến, đề nghị Quốc hội giao cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, rồi cơ quan tư pháp trung ương, cơ quan hữu quan, nghiên cứu đầy đủ ý kiến các ĐB hôm nay và tại tổ để tiếp thu, chỉnh lý và xây dựng lại dự án luật này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu - cho biết: Về phạm vi sửa đổi, một số đại biểu xác định 3 vấn đề: Thứ nhất chỉ sửa các lỗi kỹ thuật có liên quan đến nội dung bộ luật. Thứ 2 sửa nội dung sai, không sửa không được, bất hợp lý. Thứ 3 bổ sung các vấn đề mới để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

XUÂN HẢI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/chinh-tri/quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-sua-doi-cua-bo-luat-hinh-su-604933.bld