Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quy hoạch

Sáng 21-11, theo chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quy hoạch. Đa số ý kiến đại biểu cho rằng Luật Quy hoạch sẽ rất cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch. Đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của đất nước và là công cụ quan trọng trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Xác định lại phạm vi điều chỉnh

Nhiều ý kiến của các đại biểu đều nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, theo đó, Luật này là luật chung quy định về hoạt động quy hoạch, gồm: lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện các loại quy hoạch; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch.

Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu đề nghị nên tập trung vào những vấn đề về quy hoạch chưa được luật hóa; các loại quy hoạch; các nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt có tính chất cơ bản, cốt lõi của công tác quy hoạch; các quy định phối hợp giữa các bên liên quan trong quá trình lập và thực hiện các loại quy hoạch. Bên cạnh đó, những nội dung đặc thù có thể vẫn do luật chuyên ngành điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước của từng ngành, lĩnh vực, tránh tạo “xung đột” hoặc khoảng trống pháp luật về quy hoạch sau khi Luật được ban hành.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, dự án Luật được thiết kế theo hướng luật khung để điều chỉnh hoạt động toàn bộ các quy hoạch; đồng thời vừa có các nội dung để quy định các quy hoạch, quyền nghĩa vụ của các đối tượng tham gia hoạt động quy hoạch... là quá rộng.

Kỳ vọng có một Luật với tầm bao quát, điều chỉnh cho mọi đối tượng, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho là không khả thi vì rất khó chế định được các nội dung một cách đầy đủ và rõ ràng - theo đại biểu Nhân, cần xác định đây là hoạt động quy hoạch công do nhà nước thống nhất thực hiện và quản lý.

Đề nghị cần xác định lại phạm vi điều chỉnh, và cho rằng tên của Luật và phạm vi đều chỉnh chưa phù hợp với nhau - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thắc mắc, phạm vi điều chỉnh được quy định trong dự án luật là nhằm đều chỉnh hoạt động quy hoạch nhưng không rõ là hoạt động quy hoạch gì.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu rõ, việc quy hoạch theo quy định của dự án Luật là xác định không gian phát triển của Việt Nam ở ba vùng, gồm: đất, trời và biển. Tuy nhiên, Luật điều chỉnh cả ba vấn đề đó hay chỉ quy định về đất là chưa rõ.

Khẳng định Luật Quy hoạch sẽ là công cụ quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực - đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị, cần nêu rõ hơn các tác động của luật đối với sự phát triển chung, đặc biệt là vấn đề an ninh quốc phòng; đồng thời phải nghiên cứu đưa ra hệ thống các tiêu chí quy hoạch, khung chung cho quy hoạch các cấp.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, điều này liên quan đến các khái niệm giải thích từ ngữ về quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và cần phải xây dựng lại cho phù hợp. Ngoài ra, dự thảo luật cần làm rõ hơn sự tác động cũng như giải quyết mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch với Luật Đô thị, Luật Xây dựng…

Lập quy hoạch tổng thể quốc gia để bảo đảm tính thống nhất

Một số ý kiến đại biểu cho rằng nội dung của dự án Luật nghiêng nhiều về quản lý quy hoạch, vì vậy các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ về nguyên tắc, trình tự, tổ chức và thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Đồng thời, cần bổ sung nguyên tắc quy hoạch phải bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, phát huy lợi thế, tiềm năng của từng vùng, từng địa phương nhưng không làm gia tăng sự chênh lệch về phát triển giữa các vùng và các địa phương.

Đa số ý kiến đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải lập quy hoạch tổng thể quốc gia. Nhấn mạnh việc cần lập quy hoạch tổng thể quốc gia để bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, tránh tình trạng quản lý chia cắt cục bộ, thiếu liên kết vùng và liên kết các địa phương và sản phẩm ngành - đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cho rằng, khi đó sẽ tạo không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng, ngành và quy hoạch cấp tỉnh; đồng thời bảo đảm tính khả thi và thực tế của hoạt động quy hoạch.

Đúng là việc quy hoạch tồn tại bao năm qua mà vẫn chưa có được trật tự nhằm đảm bảo tính khoa học, đồng bộ và khả thi - đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) đề nghị, đối với quy hoạch tổng thể của quốc gia thì cần có một cơ quan cao nhất xem xét phê chuẩn.

Đại biểu Nguyễn Chiến thí dụ, như thành phố Hà Nội đã có Luật Thủ đô thì vấn đề đặt ra ở đây là Luật Quy hoạch cũng phải xem xét đến quy định đặc thù của địa phương để có sự điều chỉnh nhằm đảm bảo tính khả thi của Luật Thủ đô đối với Luật Quy hoạch khi được ban hành.

Tán thành cần quy định về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu rõ, việc quy hoạch cần lập theo thứ bậc từ trên xuống dưới, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn trên cả nước và quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên.

Nhìn nhận sự phối hợp liên kết trong hoạt động quy hoạch là một vấn đề quan trọng, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị, bổ sung nguyên tắc bảo đảm sự phối hợp đồng bộ trong hoạt động quy hoạch giữa các ngành Trung ương và địa phương.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, có ba công cụ quản lý nhà nước, gồm: chiến lược, quy hoạch và kế hoạch. Nhưng trong dự thảo Luật thì vẫn chưa làm rõ nội dung nào sẽ chi phối nội dung nào.

Trong khi chiến lược là định hướng trung và dài hạn thì quy hoạch phải cụ thể hóa chiến lược dài hạn từ 10 đến 20 năm như dự thảo. Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, quy hoạch chỉ bị chi phối bởi chiến lược phát triển mang tính dài hạn. Cho nên cần đảm bảo tính thống nhất giữa chiến lược và quy hoạch trong phát triển kinh tế - xã hội. Còn những điều nhỏ thì chịu sự điều chỉnh quy hoạch của cấp trên.

Dự thảo Luật Quy hoạch bao gồm 6 Chương với 67 Điều trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa IX.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31330202-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-quy-hoach.html