Quốc hội thảo luận về dự án Luật Du lịch (sửa đổi)

Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận trong phiên họp toàn thể tại Hội trường chiều 18/11.

Luật Du lịch được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006 trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Du lịch năm 1999.

Sau 10 thực hiện cho thấy, Luật Du lịch đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và sự phát triển của ngành du lịch.

Luật Du lịch đã tạo ra bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức về quản lý và phát triển du lịch; tạo hành lang pháp lý quan trọng để tập trung nguồn lực đầu tư của xã hội, góp phần hình thành hệ thống sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới; góp phần luật hóa các quy định của điều ước quốc tế trong lĩnh vực du lịch mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch ngang tầm khu vực và thế giới; thúc đẩy giao lưu, hợp tác du lịch giữa Việt Nam với các nước trên thế giới...

Trong tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) trình Quốc hội, bên cạnh khẳng định những kết quả tích cực đạt được sau 10 thực hiện Luật, tờ trình cũng nhấn mạnh, quá trình triển khai Luật Du lịch đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành du lịch, trong đó nổi lên là một số nội dung chưa tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành. Một số nội dung quy định chưa rõ ràng, tạo ra cách hiểu khác nhau, hoặc thiếu tính khả thi, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật, triển khai trên thực tế. Một số quy định về quy hoạch trong luật không còn phù hợp với quy định của pháp luật liên quan về phân loại quy hoạch và thẩm quyền xây dựng, thẩm định, phê duyệt quy hoạch du lịch. Một số khái niệm, thuật ngữ quy định trong Luật Du lịch chưa chính xác, rõ ràng, không phù hợp với thực tế cũng như thông lệ quốc tế...

“Để giải quyết những hạn chế, bất cập nêu trên, việc xây dựng và ban hành Luật Du lịch (sửa đổi) là rất cấp thiết, bảo đảm tính đồng bộ của pháp luật, góp phần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy du lịch phát triển”, tờ trình nêu quan điểm.

Mục đích của việc xây dựng Luật Du lịch (sửa đổi) nhằm bảo đảm tính minh bạch và khả thi, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013; đồng bộ với các bộ luật, luật mới được ban hành; thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động du lịch, nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về du lịch, tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) được xây dựng và trình Quốc hội lần này có 10 chương, 79 điều, trong đó bổ sung 56 điều, quy định mới 21 điều và giữ nguyên 2 điều.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến đại biểu khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Du lịch (sửa đổi); đồng thời nhấn mạnh quan điểm việc xây dựng luật phải được tiến hành trên cơ sở luận cứ khoa học và tổng kết thực tiễn thi hành, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và trên thế giới, vận dụng phù hợp với những thông lệ và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; kế thừa, nâng tầm và phát triển các quy định còn phù hợp của Luật Du lịch hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn.

Đồng thời, dự án luật phải khẳng định vai trò du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính xã hội cao; phát triển có trọng tâm, trọng điểm đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan ở Trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương.

Đề cập tới vấn đề về nhân lực làm du lịch, đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng), đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) đánh giá nhân lực làm du lịch của Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, kể từ khi Cộng đồng ASEAN chính thức đi vào hoạt động, nhân lực du lịch của nước ta có thể mất việc ngay trên sân nhà.

“Chính vì vậy, ngoài những quy định của Luật Giáo dục và những quy định chung chung giao trách nhiệm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong luật này cần thiết kế các quy định về những yêu cầu riêng cần có để đào tạo nhân lực du lịch. Cần đặc biệt quan tâm đào tạo nhân lực nói chung, nhân viên du lịch nói riêng”, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) nêu ý kiến.

Cũng cùng quan điểm trên, đại biểu Dương Ngọc Ánh (Hà Nội) cho rằng yếu con người luôn là yếu tố quyết định, muốn thúc đẩy ngành du lịch, cần phải đầu tư cho con người, trong đó tập trung nâng cao trình độ, năng lực thông qua đào tạo, đánh giá chất lượng để đội ngũ hướng dẫn viên ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Bày tỏ kỳ vọng vào dự thảo luật lần này, song đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) đề nghị Ban Soạn thảo cần thận trọng, cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để khi luật ban hành vừa bảo đảm chính sách thông thoáng nhằm phát triển ngành du lịch, nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh quốc gia, vấn đề về văn hóa và môi trường.

Ngoài ra, trong thảo luận, vấn đề chính sách phát triển du lịch; kinh doanh dịch vụ; xúc tiến du lịch; thanh tra du lịch; quy hoạch phát triển du lịch; điều kiện kinh doanh cơ sở lưu trú; công tác quản lý Nhà nước về du lịch... cũng là những vấn đề lớn, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đóng góp ý kiến

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/du-lich/quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-du-lich-sua-doi/291963.vgp