Quốc hội thảo luận về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước một cách thực chất

Để đến cuối năm 2020 giảm giá trị tổng tài sản của các doanh nghiệp do Nhà nước giữ trên 50% cổ phần xuống mức tương đương khoảng 120 tỉ đô la Mỹ, Chính phủ cam kết cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước một cách thực chất.

Chính phủ cam kết cổ phần hóa DNNN thực chất trong 5 năm tới. Ảnh: quochoi.vn.

Đây là một trong những nét chính đáng chú ý trong đề án Tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ được thảo luận tại Quốc hội ngày hôm nay, 2-11.

Cổ phần hóa DNNN sẽ thực chất

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đề án yêu cầu phải đẩy nhanh thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp một cách thực chất. Thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các DNNN thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định tại các ngành còn lại.

Cắt giảm tỷ trọng tổng tài sản của các doanh nghiệp do Nhà nước giữ trên 50% cổ phần trong tổng tài sản của khu vực doanh nghiệp. Giảm bớt các ngành nghề quy định nhà nước cần nắm giữ đa số cổ phần. Áp dụng triệt để kỷ cương nhà nước, kỷ luật thị trường và khung khổ quản trị tốt theo thông lệ quốc tế đối với DNNN và doanh nghiệp có vốn sở hữu của Nhà nước.

Đến cuối năm 2020, giảm giá trị tổng tài sản của các doanh nghiệp do Nhà nước giữ trên 50% cổ phần xuống mức tương đương khoảng 120 tỉ đô la Mỹ.

Chính phủ sẽ xây dựng và công bố mục tiêu định lượng có tính khả thi cao về thoái vốn Nhà nước khỏi các DNNN quy mô lớn một cách thực chất, không chỉ giảm số lượng DNNN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Thoái toàn bộ vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp thuộc các ngành Nhà nước không cần sở hữu trên 50% vốn cổ phần. Phấn đấu giảm tỷ lệ tổng tài sản của doanh nghiệp có sở hữu nhà nước chi phối (sở hữu nhà nước trên 50%) trong tổng tài sản khu vực doanh nghiệp xuống mức 20% (so với mức khoảng 30% hiện nay).

Sửa đổi tiêu chí phân loại DNNN theo hướng giảm sở hữu của Nhà nước tại các doanh nghiệp (Quyết định thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18-7-2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN).

Khẩn trương soạn thảo, ban hành Luật Thúc đẩy cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp nhằm luật hóa các chính sách về cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp, bao gồm cơ quan chịu trách nhiệm thúc đẩy cổ phần hóa, lộ trình cổ phần hóa, mức độ thoái vốn Nhà nước, quy trình thực hiện linh hoạt, thận trọng, minh bạch và theo cơ chế thị trường và thời gian thực hiện đối với từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Tái cơ cấu đầu tư công và ngân sách Nhà nước (NSNN)

Về tái cơ cấu đầu tư công: Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận các nước ASEAN-4 theo các đánh giá, phân loại của các tổ chức quốc tế như WB, IMF. Tiếp tục huy động hợp lý các nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm tổng đầu tư xã hội khoảng 32-34% GDP. Tỷ trọng đầu tư nhà nước khoảng 35-38% tổng đầu tư xã hội; hàng năm tăng dần tiết kiệm từ ngân sách cho đầu tư; dành khoảng 24-25% dự toán chi NSNN giai đoạn 2016-2020 cho đầu tư phát triển.

Về tái cơ cấu NSNN: Đảm bảo bền vững tài khóa; giảm dần thâm hụt NSNN xuống dưới 4% GDP vào năm 2020 (định hướng giảm xuống dưới 3% trong giai đoạn tiếp theo); tăng cường quản lý và đảm bảo an toàn nợ công, duy trì nợ công không vượt quá 65% GDP (định hướng giảm xuống dưới 60% GDP trong giai đoạn 2021-2030), bảo đảm lành mạnh hóa tài chính quốc gia, phấn đấu dự trữ ngoại hối lên khoảng 4-5 tháng nhập khẩu và phù hợp với điều kiện thực tế.

Về tái cơ cấu dịch vụ công: Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo lộ trình; đồng thời thực hiện chương trình sắp xếp lại, đổi mới toàn diện, trong đó chú trọng giao đầy đủ quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, tạo khung khổ pháp lý đủ rõ để các tổ chức sự nghiệp công lập chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153389/quoc-hoi-thao-luan-ve-co-phan-hoa-thoai-von-nha-nuoc-mot-cach-thuc-chat.html/