Quốc hội thảo luận dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ

Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường chiều 31/10 nghe các Tờ trình dự án: Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Thủy lợi. Ngay sau đó, các đại biểu về tổ, thảo luận dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật cảnh vệ. Ảnh: An Đăng/TTXVN

* Cần thiết ban hành Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Mở đầu buổi làm việc, trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là những loại phương tiện đặc biệt, có liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý cần thiết đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước, bảo đảm phát huy vai trò, tác dụng của vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, nên ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quy định, hướng dẫn thi hành về vấn đề này.

Thời kỳ đổi mới, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã có những thay đổi căn bản, nhiều quy định trước đây về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không còn phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu của việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Trước yêu cầu của tình hình mới, ngày 30/6/2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Tiếp đó, ngày 12/7/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (gọn tắt là Pháp lệnh).

Sau hơn 4 năm tổ chức triển khai thi hành Pháp lệnh, công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã đạt được những kết quả quan trọng. Nổi bật như: Việc quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được bảo đảm chặt chẽ, trang bị đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích. Công tác bảo quản, kiểm kê vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã đi vào nền nếp.

Công tác tuyên truyền, đăng ký, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã được các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Hoạt động đấu tranh phòng, chống sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được đẩy mạnh.

Công tác kiểm tra, vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được Bộ Công an, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp thường xuyên thực hiện. Do đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nâng cao trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm tổ chức triển khai thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong tình hình mới...

"Nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên và để tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới thì việc xây dựng Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là cần thiết", Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh.

Dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 chương, 75 điều.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết: Đa số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với sự cần thiết ban hành Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phù hợp với Hiến pháp.

Đồng thời, việc ban hành Luật này khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 4 năm tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; bảo đảm quyền con người, quyền công dân quy định trong Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Cùng với đó, việc ban hành Luật này đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng-an ninh trong tình hình hiện nay.

* Phát triển thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu

Tiếp đó, Trình bày Tờ trình về dự án Luật Thủy lợi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Sau 20 năm thực hiện, Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi đã cơ bản đi vào cuộc sống; các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cộng đồng đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Từ đó đã có ý thức chấp hành pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Công tác kiểm tra, chỉ đạo các hoạt động về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi và các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực thủy lợi đã phát sinh một số bất cập như: Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi chỉ quy định áp dụng đối với công trình đã xây dựng và được đưa vào khai thác. Thực tế Pháp lệnh chỉ điều chỉnh một nội dung về Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi, nhưng hoạt động về lĩnh vực thủy lợi có rất nhiều nội dung cần phải điều chỉnh bằng pháp luật…

Do đó, để khắc phục các bất cập hiện nay; đồng thời, nhằm thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng trong các Văn kiện Đại hội Đại biểu đảng toàn quốc khóa X, khóa XI và XII về phát triển thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu, việc xây dựng để ban hành Luật Thủy lợi là thực sự cần thiết. Dự thảo Luật Thủy lợi gồm có 9 Chương, 72 Điều.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí sự cần thiết ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, trong dự thảo Luật có một số quy định còn chưa thực sự rõ như: Quy định về doanh nghiệp nhà nước khai thác công trình thủy lợi (Điều 24) không rõ điều kiện về năng lực của doanh nghiệp này.

Quy định về chuyển giao công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng (Điều 56) thì không rõ thẩm quyền quyết định việc chuyển giao; chưa rõ sự khác biệt về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi (Điều 63) và trách nhiệm tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác công trình thủy lợi (Điều 65)… Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát làm rõ, quy định cụ thể ngay trong Luật.

* Cần bảo đảm quyền con người khi nổ súng không cần cảnh báo

Ngay sau khi nghe các Tờ trình, các đại biểu Quốc hội về tổ, thảo luận dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Qua thảo luận, các ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, tuy nhiên một số nội dung cần điều chỉnh, xem xét lại cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Trong đó, góp ý cụ thể về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, nhiều ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và cho rằng, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đang được thực hiện có hiệu quả; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình hiện nay và có bổ sung một số nội dung phát sinh từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Thống nhất như quy định trong dự thảo Luật của Chính phủ trình và ý kiến đa số của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đại biểu Nguyễn Doãn Anh (đoàn Hà Nội) lý giải: Tiền chất thuốc nổ là những hóa chất có nguy cơ phát nổ cao, dễ bị sử dụng để chế tạo ra phương tiện gây án của tội phạm và khủng bố nên cần được quản lý chặt chẽ hơn các loại hóa chất khác.

Mặt khác, đưa tiền chất thuốc nổ vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này là kế thừa Pháp lệnh hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm, không gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, không trái với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới. Vì, Chính phủ chỉ quy định danh mục cụ thể một số loại hóa chất với hàm lượng ở mức có nguy cơ cháy nổ cao mới phải chịu sự quản lý chặt chẽ hơn so với quy định của Luật hóa chất; nhất là đã hoàn toàn không cấm hoặc tạo sự độc quyền trong xuất nhập khẩu tiền chất thuốc nổ.

Tuy nhiên, vấn đề này có ý kiến đề nghị Luật này không điều chỉnh đối với vật liệu nổ và tiền chất thuốc nổ. Vì hai loại này có cơ chế quản lý, đối tượng sử dụng, mục đích sử dụng khác với vũ khí, công cụ hỗ trợ. Đồng thời, tiền chất thuốc nổ đã được điều chỉnh trong Luật Hóa chất và được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không chỉ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật vừa rộng lại vừa thiếu. Đại biểu ví dụ về việc thiếu như vũ khí sinh học, hóa học không phải là vũ khí hạng nặng, nhưng trong bối cảnh hiện nay khủng bố đang sử dụng rất nhiều loại này chế tác. Trong khi đó, dự thảo Luật quy định về quản lý vũ khí sinh học và vũ khí hóa học lại không thấy xuất hiện. Do đó, đại biểu đề nghị phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật cần tính toán lại.

Thảo luận về quy định nổ súng (Điều 21), có ý kiến tán thành với các quy định về nổ súng tại Điều này. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Luật này chỉ quy định nguyên tắc nổ súng, còn các trường hợp nổ súng cụ thể cần được quy định trong các luật chuyên ngành để khắc phục sự thiếu định lượng trong các quy định về nổ súng.

Cơ bản tán thành quy định về quyền nổ súng của người thi hành công vụ trong những trường hợp cụ thể quy định tại Điều 21 của dự án Luật, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Doãn Anh (đoàn Hà Nội) cho rằng: Việc bổ sung quy định về quyền nổ súng không cần cảnh báo tại khoản 4 Điều 21 là chưa ổn khi đang thực hiện Hiến pháp 2013 với tinh thần đề cao quyền con người, quyền công dân, trong đó quyền sống là một trong những quyền thiêng liêng nhất của con người.

Vì thế, không thể xếp cùng với một nhóm các đối tượng thực hiện các hành vi khác nhau với mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau để cho phép người thi hành công vụ được quyền bắn thẳng vào đối tượng. Vì đối tượng đang thực hiện khủng bố, bắt cóc con tin, giết người mà xếp cùng nhóm với buôn bán, vận chuyển ma túy là không phù hợp. Buôn bán, vận chuyển ma túy trái phép mà không dùng vũ khí chống lại người thi hành công vụ, đe dọa giết con tin để tẩu thoát thì không thể cho phép người thi hành công vụ có quyền bắn không cần cảnh báo...

Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu chỉnh lý lại theo hướng thu hẹp các trường hợp giả định để có thể trao quyền đặc biệt "nổ súng không cần cảnh báo" cho người thi hành công vụ một cách tương xứng với hành vi của đối tượng gây nguy hại cho khách thể cần bảo vệ.

Theo chương trình, sáng mai (1/11), Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Nguyễn Cường (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/chinh-tri/quoc-hoi-thao-luan-du-an-luat-quan-ly-su-dung-vu-khi-vat-lieu-no-20161031205910023.htm