Quốc hội sẽ tăng thời gian chất vấn từ Kỳ họp thứ ba

Chiều 19/12, tại phiên họp thứ năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu thảo luận báo cáo đánh giá Kỳ họp thứ hai và Tờ trình về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì cuộc họp ngày 19/12

Nhiều ĐBQH đề nghị tăng thời gian chất vấn

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua tổng hợp ý kiến của các Đoàn ĐBQH về đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ họp, nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị nghiên cứu tăng thời gian chất vấntrả lời chất vấn để đại biểu có thêm thời gian tranh luận, làm rõ vấn đề. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép từ Kỳ họp thứ ba trở đi, bố trí ba ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Kỳ họp thứ ba dự kiến thông qua 13 dự án luật

Trình bày Tờ trình về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ ba, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội dự kiến làm việc 22,5 ngày, họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 22/5/2017 và bế mạc vào ngày 21/6/2017. Trong thời gian kỳ họp, dự kiến Quốc hội sẽ dành 14,5 ngày cho công tác xây dựng luật pháp để xem xét, thông qua 13 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 8 dự án luật; Dành 7 ngày cho các vấn đề kinh tế-xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Đồng ý với đề xuất này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, đây là nội dung cử tri và người dân rất quan tâm, qua tiếp xúc cử tri cũng có nhiều người mong muốn điều chỉnh tăng thời gian chất vấn. Tại Kỳ họp thứ hai, Thủ tướng, các Bộ trưởng hứa sẽ trả lời bằng văn bản, báo cáo bổ sung vào kỳ họp sau. “Chúng ta cần rà soát lựa chọn Bộ trưởng phải báo cáo vấn đề gì để đưa vào Kỳ họp thứ ba vì đây là lời hứa trước cử tri”, ông Chiến đề nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đánh giá, việc lựa chọn Bộ trưởng trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai rất trúng và đúng. Bản thân các Bộ trưởng cũng thấy việc lựa chọn là công bằng vì đây là những vấn đề đang bức xúc trong xã hội. Còn những vấn đề các Bộ trưởng còn nợ, hứa trả lời bằng văn bản, bà Nga cho rằng khi có văn bản trả lời phải công khai.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong công tác xây dựng pháp luật cần rút kinh nghiệm, tránh việc đưa dự án luật vào rồi lại rút ra, nên phải chuẩn bị kỹ. Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý tăng thời gian chất vấn lên ba ngày từ Kỳ họp thứ ba và nhấn mạnh thêm, với tất cả lời hứa trả lời bằng văn bản của các thành viên Chính phủ thì việc giám sát phải nhắc nhở để có báo cáo sớm và công khai. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu hình thức biểu quyết có tên, thể hiện công khai, minh bạch quan điểm của từng đại biểu để cử tri biết và đánh giá đại biểu do mình bầu lên.

Nghiên cứu thêm việc xử lý cán bộ về hưu

Sáng cùng ngày, phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, so với chương trình dự kiến ban đầu, một số nội dung đã có sự thay đổi.

Cụ thể, về một số vấn đề lớn của dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự sẽ rút ra khỏi chương trình để có thời gian thêm cho việc chỉnh lý, hoàn thiện; Rút khỏi chương trình Dự án pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng để tiếp tục tổng kết, đánh giá toàn diện, có thêm thời gian chuẩn bị. Nội dung thứ ba rút ra khỏi chương trình của phiên họp lần này là dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu có sai phạm. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, do đây là nội dung quan trọng cần có thêm thời gian để nghiên cứu thấu đáo nên Chính phủ chưa kịp chuẩn bị để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 12 như đã dự kiến.

Hoài Thu

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/quoc-hoi-se-tang-thoi-gian-chat-van-tu-ky-hop-thu-ba-d181178.html