Quốc hội sẽ giám sát việc bổ nhiệm, không lùi Luật Biểu tình vô thời hạn

Đây là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong buổi trao đổi rất thẳng thắn với báo chí sáng 23-7. Vấn đề này được đặt ra trong bối cảnh nhiều lùm xùm trong bổ nhiệm cán bộ đang được nhân dân cả nước rất quan tâm, đặc biệt là trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh và những sự việc xảy ra tại Bộ Công Thương.

“Chúng tôi sẽ giám sát việc thực thi công vụ, kể cả việc bổ nhiệm cán bộ. Có khi đúng quy trình, nhưng không đúng tiêu chuẩn. Không phải cứ đúng quy trình là xong, mà vấn đề là cán bộ đó có xứng đáng ngồi chỗ đó hay không, chứ không phải quy trình. Quy trình thì cái nào cũng đúng. Chúng tôi cũng làm luật đúng quy trình, nhưng cũng có luật chưa khả thi. Quy trình là cần, nhưng chưa đủ” – tân Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Quốc hội khẳng định sẽ giám sát chặt chẽ các vấn đề nóng của đất nước

Trả lời câu hỏi về việc Quốc hội sẽ làm gì để giám sát nợ công đang lăm le vượt trần, giảm nỗi lo của nhân dân về gánh nặng nợ công, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định “Quốc hội đang kiểm soát chặt chẽ”. “Tất nhiên, Quốc hội cũng có trách nhiệm, vì việc quyết định bội chi hàng năm bao nhiêu, phát hành trái phiếu Chính phủ bao nhiêu có Nghị quyết của Quốc hội. Nhưng Chính phủ là cơ quan điều hành. Nếu trước đây Nghị quyết của Quốc hội là nợ công ko quá 65%, nợ Chính phủ không quá 50%, thì cuối 2013, nợ Chính phủ đã vượt 0,3%. Quốc hội quyết tâm khóa này sẽ kiểm soát chặt chẽ nợ công và sẽ xem xét lại cách tính nợ công để đảm bảo an toàn”.

Không để đất nước đi theo những “vết xe đổ” về nợ công

“Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ nhiều lần báo cáo tình hình KT-XH gắn với nợ công và báo cáo về nợ công riêng để Quốc hội thảo luận. Hiện nợ công vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng Quốc hội quan tâm đến có an toàn hay không, không phải là dưới hay trên 65% mà là vay thì phải trả cho được, vay để làm gì, có hiệu quả hay không, đó mới là an toàn nợ công. Nó phải đảm bảo để nền kinh tế - tài chính đất nước chịu được, không vỡ nợ. Hiện nợ công đang có vấn đề là ở mức kiểm soát, nhưng đến thời hạn trả nợ thì có khó khăn, chưa có đủ nguồn lực để cân đối trả nợ đúng hạn và đã xảy ra việc vay đáo hạn, vay mới để trả nợ cũ”.

“Tuy nhiên, tất cả các khoản vay của Chính phủ hiện nay đã có điều chỉnh bởi Nghị quyết của Chính phủ về thay đổi cơ cấu nợ trong nước và nợ nước ngoài, thay đổi cơ ấu vay ngắn hạn sang trung và dài hạn để giảm áp lực trả nợ. Bộ Tài chính báo cáo xu hướng này đang diễn ra rất tốt. Quốc hội sẽ kiểm soát để Việt Nam ko dẫm theo vết xe đổ của các nước đi trước ở châu Âu, châu Mỹ và nhất định không để bội chi tăng lên, mà dần dần kéo xuống. Quốc hội khóa trước đã rất cố gắng nhưng không được, khóa này sẽ cố gắng kiểm soát và đưa nó về ngưỡng an toàn, mà an toàn theo cách tôi đã đề cập, chứ không phải an toàn về chỉ số” – Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.

Không lùi Luật Biểu tình vô thời hạn

Trả lời về “món nợ” mà Quốc hội khóa 13 đã đề cập đến là Luật Biểu tình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đây là một luật liên quan đến quyền của công dân, mà tinh thần Hiến pháp là tất cả quyền con người, quyền công dân phải được cụ thể hóa một cách minh bạch, rõ ràng. “Luật này được lùi thời hạn để nghiên cứu căn cơ, thấu đáo, phù hợp với tình hình đất nước. Hiện đất nước ta rất ổn định, trong khi nhiều nơi khác trên thế giới tình hình rất đáng lo lắng. Từ thực tiễn đặt ra việc ban hành luật thế nào để đảm bảo quyền công dân, nhưng phải phù hợp với tình hình đất nước, vì lợi ích của nhân dân cũng phải vì lợi ích đất nước, không nặng bên nào, nhẹ bên nào. Luật biểu tình ra mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn” – bà Ngân cho biết. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định Luật Biểu tình không phải lùi vô thời hạn mà Quốc hội khóa 14 sẽ nghiêm túc xem xét sau khi Chính phủ hoàn thiện đảm bảo các yêu cầu trình ra Quốc hội”.

Vũ Hân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thoi-su/quoc-hoi-se-giam-sat-viec-bo-nhiem-can-bo-401355/