Quốc hội sắp họp, Chính phủ vẫn 'nợ' hồ sơ một số dự án lớn

Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa 14 sẽ khai mạc ngày 22/5 và dự kiến bế mạc ngày 20/6 tại Hà Nội...

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết, trong đó có nghị quyết về xử lý nợ xấu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa 14, khai mạc vào ngày 22/5 và dự kiến bế mạc vào ngày 20/6 tới tại Hà Nội.

Ngày 20/4, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi công văn mời các vị đại biểu về dự họp.

Tại công văn này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho phép điều chỉnh một số dự án so với nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Cụ thể là rút 4 trong số 8 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến: Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện để tiếp tục hoàn thiện.

Ba nội dung được đề nghị trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm: nghị quyết về xử lý nợ xấu; nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào; nghị quyết phê chuẩn nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa Việt Nam và Lào.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biếr, tại kỳ họp này, Chính phủ đề nghị xem xét, thông qua dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và dự thảo nghị quyết về điều chỉnh mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động quy định tại điều 57 Luật Việc làm (theo quy trình tại một kỳ họp).

Ngày 19/4, Chính phủ đã gửi hồ sơ tài liệu của dự án luật để Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại cuối phiên họp tháng 4. Căn cứ chất lượng chuẩn bị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội về việc bổ sung dự án luật này vào chương trình kỳ họp thứ 3.

Còn hồ sơ dự thảo nghị quyết chưa được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên chưa có căn cứ xem xét và báo cáo Quốc hội về việc bổ sung dự thảo này, ông Phúc thông tin.

Về các dự án quan trọng như thực hiện giải phóng mặt bằng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc-Nam và chống ngập Tp.HCM, văn bản nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ khẩn trương chuẩn bị, trình Quốc hội xem xét.

Nhưng đến nay, Chính phủ chưa gửi hồ sơ tài liệu nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có căn cứ để báo cáo Quốc hội về các vấn đề nêu trên.

Cùng với thông báo mời họp, dự kiến nội dung và chương trình làm việc của kỳ họp cũng đã được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Theo đó, trong công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết, trong đó có nghị quyết về xử lý nợ xấu.

Nhiều báo cáo từ Chính phủ cũng sẽ được gửi đại biểu tự nghiên cứu. Như, báo cáo việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí, việc thực hiện bảo hiểm xã hội, quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội...

Báo cáo về công tác bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước cũng được gửi đại biểu tự nghiên cứu trong kỳ họp thứ ba.

Nguyên Vũ

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thoi-su/quoc-hoi-sap-hop-chinh-phu-van-no-ho-so-mot-so-du-an-lon-20170421060051578.htm