Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý ngoại thương

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, sáng 27/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý ngoại thương.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trình bày tờ trình Ảnh: Đình Nam

Trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý ngoại thương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, trong suốt quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) từ năm 1995, Việt Nam đã liên tục cải thiện chính sách, công cụ pháp luật để thực hiện quản lý ngoại thương phù hợp với điều kiện hội nhập. Hoạt động ngoại thương trong thời gian qua diễn ra sôi động và có đóng góp nhất định cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Mặc dù, công tác quản lý nhà nước về ngoại thương đã chặt chẽ, thông suốt, minh bạch và hiệu quả hơn, song chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này còn một số điểm chưa hoàn chỉnh, cần tiếp tục hoàn thiện. Tuy nhiên, Luật Thương mại 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa thể hiện rõ yêu cầu hội nhập, công tác quản lý nhà nước về ngoại thương chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra; những bất cập của hệ thống pháp luật ngoại thương hiện hành và những yêu cầu về hoàn thiện pháp luật về ngoại thương bao gồm: sự trùng lắp, chồng chéo với các luật khác; sự minh bạch chưa cao; tính ổn định, dự báo còn thấp.

Do đó, việc xây dựng một đạo luật về quản lý ngoại thương có tính định hướng rõ ràng, phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước, ổn định, minh bạch, thống nhất, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế là cần thiết.

Thẩm tra về dự án Luật này, Ủy ban Kinh tế tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật quản lý ngoại thương nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động ngoại thương; tăng cường công cụ quản lý nhà nước về ngoại thương, đảm bảo minh bạch, hiệu quả, phù hợp với các cam kết quốc tế. Ủy ban Kinh tế nhận thấy dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật thương mại năm 2005, rà soát các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan, đối chiếu với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về quản lý hoạt động ngoại thương. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát sự phù hợp của dự án Luật với Hiến pháp, các văn bản pháp luật khác có liên quan, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân.

Giao Chính phủ quy định chi tiết Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu

Theo Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, tiếp thu quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương, trách nhiệm của Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về ngoại thương, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chủ trì, phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về ngoại thương, trách nhiệm của địa phương, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, tránh tình trạng quản lý không thống nhất, chồng chéo, thiếu đầu mối, phối hợp chưa tốt, trách nhiệm không rõ ràng.

Về thẩm quyền quy định Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc xây dựng Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu không những dựa trên thực tiễn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu mà còn phải phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí của điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, chịu sự giám sát của các đối tác thương mại của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại Thế giới và trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, khó có thể áp dụng tùy tiện trong xây dựng Danh mục này. Do vậy, Ủy ban Kinh tế tán thành quy định giao Chính phủ quy định chi tiết Danh mục này bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân, đáp ứng tính linh hoạt, kịp thời trong quản lý, điều hành. Tuy nhiên, cần rà soát chi tiết Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với các luật chuyên ngành về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa vì việc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu có liên quan đến lĩnh vực của các bộ, ngành khác nhau. Có ý kiến tán thành với dự án Luật, quy định Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan để đáp ứng yêu cầu về thời điểm, cơ chế, quy trình trong việc ra quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và quy định cho tiếp tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa sau khi đã tạm ngừng.

Ủy ban Kinh tế tán thành giao Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đồng thời quy định rõ nguyên tắc, các trường hợp áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và có sự phân biệt với các trường hợp áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.

Đa số ý kiến cho rằng các điều quy định thẩm quyền áp dụng trong dự án Luật đều tập trung đầu mối là Bộ Công thương trên cơ sở chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan, cụ thể là giao Bộ trưởng Bộ Công thương công bố hàng hóa cần áp dụng hạn ngạch xuất khẩu, nhập khẩu (khoản 1 Điều 20); công bố lượng hạn ngạch, phương thức điều hành đối với từng hàng hóa áp dụng hạn ngạch thuế quan (khoản 2 Điều 23); quyết định công bố hàng hóa và cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tương ứng (khoản 1 Điều 25). Ủy ban Kinh tế cho rằng dự án Luật quy định Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động ngoại thương (khoản 2 Điều 7), nên thẩm quyền công bố giao Bộ Công Thương (quy định tại các điều 20, 23 và Điều 25) là thống nhất quản lý hoạt động ngoại thương. Tuy nhiên, đề nghị cần xem xét sự linh hoạt, thời gian, hiệu quả khi thực hiện phối hợp giữa các bộ, ngành để Bộ Công Thương công bố áp dụng các biện pháp nêu trên.

Quy định rõ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định việc chỉ định cửa khẩu

Về chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 24 và Điều 25) và chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 26 và Điều 27), một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định rõ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định việc chỉ định cửa khẩu; quy định về nguyên tắc áp dụng việc chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu vào dự án Luật. Có ý kiến đề nghị việc quy định nguyên tắc chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu cần bảo đảm sự ổn định cho thương nhân trong đầu tư sản xuất trong dài hạn, tránh việc thay đổi tùy tiện gây thiệt hại cho thương nhân. Ủy ban Kinh tế nhận thấy các ý kiến trên là hợp lý, cần nghiên cứu, thể hiện nội dung này trong dự án Luật.

Về quản lý theo giấy phép, điều kiện quy định tại Điều 28 đến Điều 31, Ủy ban Kinh tế đề nghị trong dự án Luật cần quy định cụ thể nguyên tắc chọn lựa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để cấp giấy phép, nguyên tắc để áp dụng biện pháp quản lý theo điều kiện vào Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện để Chính phủ làm căn cứ quy định chi tiết. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trong dự án Luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp giấy phép.

Theo quochoi.vn

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/quoc-hoi-nghe-to-trinh-va-bao-cao-tham-tra-du-an-luat-quan-ly-ngoai-thuong-post212476.info