Quốc hội nghe giải trình 10,5 triệu tỷ tái cơ cấu kinh tế

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng tái cơ cấu kinh tế thì lãnh đạo các Bộ, ngành phải bỏ được tư duy nhiệm kỳ, biến khó khăn thách thức thành cơ hội.

Giải trình tại nghị trường chiều 3/11, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, tái cơ cấu kinh tế là nội dung quan trọng và cấp bách đối với nước ta nhất là khi đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh, bền vững. Nếu không nhận thức, coi là nhiệm vụ trọng tâm, sống còn thì Việt Nam khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình, ứng phó với hậu quả của biến đổi khí hậu, khó thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới.

"Nếu không có tham vọng thì không có động lực thúc ép để tái cơ cấu nhanh và quyết liệt, kinh tế sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, nợ công, bội chi, lạc hậu", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tái cơ cấu kinh tế cần bỏ tư duy nhiệm kỳ

Về nguồn lực, theo đại biểu Nguyễn Chí Dũng, dự kiến thực hiện 10,5 triệu tỷ không phải là nguồn lực riêng mà đặt trong tổng thể nguồn lực phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020. Trong đó nguồn lực ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và tài chính 5 năm dự kiến 2 triệu tỷ.

Ông Dũng giải thích thêm, để đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 6,5-7% với hệ số ICOR dự kiến là 5-5,5 thì cần tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 32-34% GDP, tương đương 9-10 triệu tỷ đồng (trong đó năm 2016 tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 1,5 triệu tỷ đồng và kế hoạch 2017 dự kiến khoảng 1,6 triệu tỷ đồng). Như vậy, đặt mục tiêu phấn đấu 10,5 triệu tỷ đồng là để quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: TTXVN.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện tái cơ cấu nếu chỉ dựa vào nguồn lực thì chưa đủ mà quan trọng là phải sử dụng hiệu quả nguồn lực. Tập trung tái cơ cấu nâng cao chất lượng hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả đầu tư cao. Từ đó tạo ra niềm tin cho khu vực FDI, khu vực tư nhân tham gia vào làm vốn đầu tư tăng lên.

"Nếu làm tốt thì tổng đầu tư tăng cao hơn, nếu làm không tốt thì sẽ thấp vì vậy cần thực hiện khẩn trương hiệu quả tái cơ cấu kinh tế, nhanh xử lý nợ xấu, kiên quyết xử lý ngân hàng thương mại yếu kém, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thực chất...", ông nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dũng, một trong những rào cản của tái cơ cấu chính là giải pháp quyết liệt sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi các bộ, ngành, địa phương có liên quan. Sẽ có nguy cơ trì hoãn, thiếu quyết liệt, tái cơ cấu không thực chất. Vì vậy, cần một số luật và văn bản pháp luật bổ sung kip thời, sửa đổi phù hợp.

Bên cạnh đó, cần hướng tới sự liên kết giữa các ngành, giữa các địa phương hiệu quả hơn thì mới thực hiện thành công tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành kinh tế

"Cuối cùng, lãnh đạo các ngành, cấp cần vượt qua chính mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, tận dụng cơ hội biến khó khăn thách thành cơ hội để đạt mục tiêu cao hơn", ông Dũng nhấn mạnh.

Mục tiêu GDP tăng 6,7% là có cơ sở

Liên quan đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Kế hoạch cho hay dự kiến năm 2016, tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu không đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm từ 2,8% xuống còn 1,7%. Trong nước, biến đổi khí hậu, sự cố môi trường, hạn hán Tây Nguyên và Nam Trung Bộ chưa từng có. Xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long gây thiệt hại lớn sản xuất và đời sống nhân dân...

Dù vậy, các chuyên gia kinh tế thế giới và trong nước nhận định tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam 9 tháng năm 2016 đạt 5,93% là tích cực, chống chịu, ứng phó tốt với tác động bên trong lẫn bên ngoài.

Ước cả năm 2016 tăng trưởng GDP 6,3-6,5%. Dự kiến năm 2017, tốc độ tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 6,7%.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu này là cao nhưng có lý do để phấn đấu. Thứ nhất là bối cảnh thế giới, tình hình trong nước thực hiện kết quả năm 2016; thứ hai là Chính phủ trình Quốc hội giải pháp căn cơ, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.

Thêm một lý do nữa theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư là nông nghiệp phục hồi tốt do đẩy mạnh tái cơ cấu; công nghệ chế biến chế tạo dự báo tăng trưởng tốt. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp đăng ký tăng trưởng mạnh so với năm 2016.

"Đây là nhiệm vụ khó khăn cần theo dõi chặt chẽ diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để có giải pháp kịp thời, các bộ ngành chung tay phấn đấu đạt mục tiêu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Kiều Linh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/quoc-hoi-nghe-giai-trinh-10-5-trieu-ty-tai-co-cau-kinh-te-post694965.html