Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016.

Ngày 28/10/2016. Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của CATANDTC, VTVKSNDTC; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng.

Tham nhũng từng bước được kiềm chế, nhưng chưa thể đẩy lùi

Báo cáo trước Quốc hội , Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, trong năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị- xã hội; phát huy vai trò của báo chí, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng phòng, chống tham nhũng. Qua đó, đã tạo được những chuyển biến tích cực.

Tổng TTCP Phan Văn Sáu báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016

Cụ thể, trong năm qua, ngành Thanh tra đã phát hiện 49 vụ, 95 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Từ tháng 01/10/2015 đến tháng 30/9/2016, các Cơ quan điều tra trong CAND đã thụ lý điều tra 257 vụ án, 710 bị can phạm tội về tham nhũng; Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 263 vụ, 634 bị can về các tội danh tham nhũng (giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2015); Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 361 vụ với 931 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 194 vụ, 441 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 47,7%, số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 12% (giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2015). Đặc biệt, có 05 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng; Tổng cục Thi hành án dân sự đã thụ lý mới 65 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng.

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành 212 nghị định, 112 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 78 quyết định về quản lý, điều hành, góp phần thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Thẩm tra Báo cáo số 289/BC-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá đầy đủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016. Trong năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga tham luận

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trong một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế; thể chế tiếp tục được hoàn thiện; bộ máy nhà nước ngày càng được kiện toàn, hoạt động minh bạch, công khai hơn; cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực; công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường góp phần phòng, chống tham nhũng; đã hạn chế một bước việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ trong các vụ án tham nhũng không đúng quy định của pháp luật; một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, gây thất thoát lớn vốn và tài sản nhà nước được phát hiện và xử lý; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng tiếp tục được phát huy.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trong thực tiễn, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”.

Nhiều tồn tại, hạn chế, kiến nghị đã được Ủy ban Tư pháp nêu từ những năm trước nhưng vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Đó là: thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở; việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức và chưa hiệu quả; người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng; việc nâng cao trách nhiệm và kỷ luật công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để hạn chế tình trạng nhũng nhiễu chậm chuyển biến; tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu; vẫn còn tồn tại việc “hành chính hóa” quan hệ hình sự trong xử lý hành vi tham nhũng; số vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít và tiếp tục giảm, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng; tiến độ xử lý một số vụ còn để kéo dài; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa nghiêm; thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ rất thấp...

Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ địa chỉ những đơn vị làm chưa làm tốt

Qua thẩm tra, Ủy ban Tư pháp đánh giá, báo cáo của Chính phủ mặc dù đã nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng nhưng lại vẫn chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trong nhiều phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội khóa XIII đã nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của bộ máy nhà nước trì trệ, nhất là tình hình tham nhũng còn diễn biến nghiêm trọng là do trong nhiều năm các Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung: “có một số nơi”, “có một bộ phận”, “một số người đứng đầu”, “một số cơ quan, đơn vị”…. mà không có địa chỉ cụ thể, không xác định được trách nhiệm cá nhân, không có tác dụng mạnh mẽ để chỉnh đốn, thay đổi; quyết tâm chống tham nhũng chỉ nằm trên văn bản, còn hành động trên thực tế lại chưa tương xứng. Đáng lưu ý, có một số cán bộ còn bao che, tiếp tay, “bảo kê” cho vi phạm.

Do vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới, Ủy ban Tư pháp đề nghị, trong báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, yêu cầu Chính phủ chỉ rõ địa chỉ cụ thể những bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị làm chưa tốt để có biện pháp xử lý. Đồng thời, chỉ rõ cả những đơn vị làm tốt để có chế độ động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời.

Ngoài ra, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu làm rõ về cơ chế kiểm soát quyền lực, đề ra những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục tình trạng lạm quyền để trục lợi. Cùng với đó, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế, xã hội, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo sát sao, thường xuyên để bảo đảm thực hiện đạt các chỉ tiêu, yêu cầu về phòng, chống tham nhũng được giao trong Nghị quyết số 63/2013/QH13 và Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội; đồng thời, có phương án và lộ trình cụ thể để khắc phục hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng đã được nêu trong Báo cáo của Chính phủ; tổng kết và đề xuất mô hình tổ chức cơ quan chống tham nhũng để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

→ Quốc hội thảo luận nhiều vấn đề mới về dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo

An Khê

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/tin-nhanh/hom-nay-2810-bao-cao-quoc-hoi-ve-phong-chong-tham-nhung-d102272.html