Quốc hội khóa XIV: Khuyến khích, tạo điều kiện tích tụ ruộng đất

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã giải trình làm rõ các vấn đề về tái cơ cấu nhanh nền nông nghiệp Việt Nam, điều chỉnh bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình và làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội về kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã giải trình làm rõ các vấn đề về tái cơ cấu nhanh nền nông nghiệp Việt Nam, điều chỉnh bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới... được các đại biểu nêu ra tại phiên họp sáng nay.

Khắc phục những tồn tại qua giám sát

Giải trình làm rõ các vấn đề về tái cơ cấu nhanh nền nông nghiệp Việt Nam, giải quyết vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba nội dung lớn trong suốt quá trình chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Lần đầu tiên, ba nội dung lớn này đã được Bộ Chính trị đưa vào Nghị quyết số 26-NQ/TW nhằm thống nhất ý chí, giải pháp, chủ trương để đẩy mạnh ba nội dung này.

Trên tinh thần đó, Chính phủ đã có Chương trình xây dựng nông thôn mới - chương trình này cùng với tái cơ cấu nông nghiệp là hai chương trình "rường cột" để thực hiện tốt Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Qua gần 6 năm thực hiện, hai chương trình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Theo Bộ trưởng, Chương trình xây dựng nông thôn mới được tiến hành trong hoàn cảnh đặc biệt. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện chương trình tổng thể trên 70% lãnh thổ, với gần 9.000 xã, gần 600 huyện của 63 tỉnh, thành và cũng là chương trình đầu tiên xác định mô hình nông thôn mới bằng 19 nhóm tiêu chí. Chương trình này cũng diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động đến Việt Nam; những tiêu cực, khó khăn của nền kinh tế chưa được tháo gỡ; nguồn lực của ngân sách Trung ương và địa phương hết sức khó khăn khiến không ít người nghi ngờ chương trình này không thể thực hiện được.

Sau 6 năm thực hiện, điều đáng mừng là sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các cấp, các ngành cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; tất cả các thành phần kinh tế vào cuộc, nhân dân ủng hộ.

Trong thời gian ngắn, đã tổng huy động được trên 1 triệu tỷ đồng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, qua đó, các thiết chế hạ tầng cơ sở phục vụ hạ tầng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện một bước. Điển hình trong lĩnh vực điện, với đất nước 3/4 là núi, 20 triệu đồng bào sống ở vùng dân tộc, đã có 98,82% điện lưới quốc gia đến các hộ, cho thấy có nỗ lực vượt bậc trong hoàn thiện các thiết chế hạ tầng để phục vụ đời sống, sản xuất của người dân.

Bên cạnh đó, trong 5 năm qua đã có 20.000 mô hình sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp ở các cấp độ công nghệ cao đã đưa vào sản xuất, với thành quả là mặc dù năm 2016, Việt Nam phải chịu thiên tai nặng nề nhưng xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 26,4 tỷ USD, dự kiến cuối năm đạt 31 tỷ USD.

Cùng đó, đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực này có sự trưởng thành nhanh, công tác cán bộ từng bước được củng cố. Công tác đại đoàn kết dân tộc được đẩy mạnh, với sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng 5 tổ chức thành viên huy động sự tham gia của quần chúng nhân dân, lực lượng vũ trang, tôn giáo, dân tộc.

Thống nhất với nhận định của báo cáo giám sát về các tồn tại của chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng thời gian tới cần thiết phải khắc phục những tồn tại này. Các ngành từ Trung ương và địa phương đều phải nhận rõ trách nhiệm của mình để có những giải pháp kể cả thể chế, chính sách, sự điều hành, các mặt khác để làm tốt hơn trong giai đoạn tới.

Bộ trưởng cũng thể hiện sự đồng tình với nhiều ý kiến của đại biểu đề nghị cần có nghị quyết chuyên đề trên tinh thần của kết quả giám sát này.

Tập trung nguồn lực cho nông nghiệp-nông dân-nông thôn

Nêu rõ quan điểm xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần phải gắn chặt với tái cơ cấu nền kinh tế đất nước đang được triển khai, đây là một nội hàm trong tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ trưởng cho rằng Chương trình xây dựng nông thôn mới cần được xác định thực hiện liên tục, kéo dài, bền bỉ, không phải thực hiện trong một giai đoạn nhất định. Do đó, từng giai đoạn phải có giải pháp phù hợp trên tinh thần kiên trì, đồng bộ, tất cả hệ thống chính trị và chủ thể là người nông dân vào cuộc, như thế việc thực hiện chương trình mới thành công.

Nhìn nhận khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn là khu vực tiềm năng, Bộ trưởng nêu cần tiếp tục có nguồn lực xứng đáng, tập trung đầu tư cho khu vực này.

Bộ trưởng nói: "Vừa qua Chính phủ, Quốc hội đã tập trung đầu tư, Quyết định 100 của Quốc hội dành 63 nghìn tỷ cho đầu tư trung hạn và 192 nghìn tỷ của khu vực địa phương tập trung cho nội dung này nhưng chúng tôi cho rằng vẫn còn ít, phải coi là tiềm năng, lợi thế, chúng ta phải tập trung đầu tư nhiều hơn nữa, khu vực này xứng đáng được đầu tư để khai thác được tiềm năng, lợi thế phát triển đất nước."

Thể hiện sự nhất trí cao với bài học được Đoàn giám sát chỉ ra, là nơi nào chủ động, sáng tạo, dân chủ, quyết liệt thì khó khăn đến mấy cũng sẽ hoàn thành, Bộ trưởng tin tưởng nếu thấm nhuần các cấp từ Trung ương tới địa phương về bài học này, chắc chắn chương trình này rất khó nhưng chúng ta có thể làm được và làm tốt.

Giải thích thêm về ý kiến các đại biểu nêu xung quanh bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng cho biết Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng được phân công trực tiếp đã chỉ đạo tiếp thu tinh thần chung của các đại biểu Quốc hội, các địa phương để chỉnh sửa bộ tiêu chí và lồng ghép thêm 11 nội dung yêu cầu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, cùng với yếu tố phát triển an ninh quốc phòng, bình đẳng giới để có bộ tiêu chí mới với 19 tiêu chí trên tinh thần chung có nhóm tiêu chí "cứng" gồm: tập trung đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh thu nhập của nông dân, nông thôn, xử lý vấn đề môi trường, xử lý các vấn đề tệ nạn, củng cố hệ thống chính trị.

Các nội dung về cơ sở hạ tầng như nhà văn hóa, nghĩa trang, đường, thủy lợi sẽ căn cứ đặc điểm từng vùng miền, từng tỉnh, đặc thù riêng quá trình phát triển để Chủ tịch tỉnh có những quy định phù hợp nhất.

Về phân bổ nguồn lực Bộ trưởng khẳng định mặc dù nguồn lực đầu tư trung hạn rất khó khăn nhưng 2 chương trình lớn là Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới và Chương trình xóa nghèo bền vững vẫn được giữ nguyên, không cắt giảm.

Chính phủ cũng trình Quốc hội cần tập trung dành 25.000 tỷ đồng cho vốn trung hạn để hỗ trợ cho ngân hàng nông nghiệp và ngân hàng hợp tác xã bổ sung điều lệ, dành 1 phần hỗ trợ chính sách để 5 năm tới, hai khối ngân hàng này cùng với ngân hàng thương mại, huy động ít nhất 1 triệu tỷ đồng cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tạo nguồn lực.

Khuyến khích, tạo điều kiện tích tụ ruộng đất

Nhiều đại biểu Quốc hội nhận định tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thay đổi phương thức sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên, phương thức này còn gặp nhiều hạn chế trong việc thực hiện tại các địa phương.

Đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) nêu rõ tích tụ ruộng đất là chủ trương đúng và đã được một số địa phương triển khai thực hiện nhưng còn gặp nhiều lúng túng khi giải quyết các vấn đề nảy sinh, nhất là về cơ chế chính sách, phương thức thu hút đầu tư của địa phương đối với các doanh nghiệp tham gia ở các khu nông nghiệp công nghệ cao; chưa có sự thống nhất và hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành, địa phương thực hiện đảm bảo đúng quy định. Bên cạnh đó, việc canh tác diện tích đất còn manh mún, sản xuất chưa gắn sản xuất truyền thống với sản xuất khoa học công nghệ hiện đại.

Một bộ phận người dân còn băn khoăn về một số vấn đề khi thực hiện tích tụ ruộng đất như việc giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp dư thừa, trong đó phụ nữ là chủ yếu; giá hình thức thuê đất; giải pháp giải quyết cụ thể khi doanh nghiệp kết thúc hợp đồng dài hạn hay khi bị thua lỗ, phá sản, dừng hoạt động... rất khó xác định trách nhiệm thuộc về ai, doanh nghiệp hay người dân...

Khi có sự thay đổi cơ chế chính sách pháp luật liên quan đến nông nghiệp, sau thời gian dài hạn 20 năm hoặc lâu hơn nữa, liệu có bảo đảm được hiện trạng mặt bằng đất đai cũng như quyền lợi của người dân hay không? - đại biểu đặt câu hỏi.

Để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đại biểu Hà Thị Minh Tâm đề nghị Quốc hội, Chính phủ giao cho các bộ, ngành chức năng nghiên cứu ban hành các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách có liên quan, chỉ đạo hướng dẫn cụ thể các quy định, phương pháp thực hiện tích tụ ruộng đất, tạo cơ sở pháp lý phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương; quan tâm đầu tư trung hạn, dành nguồn lực nhất định cho phát triển nông nghiệp; tăng cường ưu tiên cho khoa học công nghệ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến 2020 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần quan tâm đào tạo dạy nghề cho lao động nông thôn dư thừa; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở và người lao động lành nghề, các khu công nghiệp công nghệ cao để thích ứng với việc chuyển giao công nghệ và kỹ năng lao động chuyên nghiệp tại các khu vực này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các bộ ngành thực hiện kiểm soát chặt chẽ giống cây trồng vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y, phân bón... quản lý chặt chẽ đất đai; quy hoạch đất đai, tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải đặt trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Bộ nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo hình thành các trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi ngay tại các tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp cao.

Như vậy, sẽ lựa chọn được giống cây con phù hợp về thời tiết, nguồn nước, thổ nhưỡng tại địa phương để đáp ứng yêu cầu sản xuất bền vững. Muốn thực hiện hiệu quả sự gắn kết giữa chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là Chính phủ tạo "sàn diễn," khoa học công nghệ tiên phong dẫn đầu, doanh nghiệp đua tài và nhân dân tham gia hưởng lợi - đại biểu nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) dẫn chứng theo quy định tại điều 129 và 130, Luật Đất đai năm 2013 quy định hạn mức giao đất nông nghiệp không quá 2 ha cho mỗi loại đất và hạn mức nhận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân. Thực tế, hiện nay ở thành phố Hải Phòng có những nông dân đã tích tụ đến 40 ha đất nông nghiệp và có doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với quy mô hàng trăm ha.

Như vậy, hạn mức giao đất nông nghiệp là quá thấp so với thực tiễn. Diện tích nhỏ không thể áp dụng cơ giới hóa, tạo ra sản phẩm sản lượng đủ lớn để cung cấp sản phẩm cho thị trường nhất là thị trường xuất khẩu.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Nguyễn Hữu Toàn thảo phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đại biểu Bùi Thanh Tùng kiến nghị Chính phủ và Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi bổ sung điều 129 và 130 của Luật Đất đai năm 2013 theo hướng tăng hạn mức dẫn tới dỡ bỏ hạn mức đất nông nghiệp, tạo điều kiện phát triển sản xuất nông sản hàng hóa tập trung an toàn thực phẩm.

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh (Nghệ An) cho rằng Quốc hội, Chính phủ cần tập trung phát huy chủ thể xây dựng nông thôn mới là người dân; khuyến khích người dân nông thôn, đặc biệt là thanh niên, phát huy tinh thần khởi nghiệp, sẵn sàng vay vốn đầu tư, tiếp nhận kiến thức khoa học kỹ thuật mới, xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, phát triển các mô hình gia trại, trang trại, liên kết với nhau xây dựng hợp tác xã kiểu mới. Chính quyền các cấp cần đóng vai trò kiến tạo, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật hợp lý, khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ ruộng đất, trợ giúp, hướng dẫn người dân sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá không khí làm việc sôi nổi, nhiều ý kiến các đại biểu Quốc hội cụ thể, sâu sắc.

Các đại biểu đánh giá cao sự cố gắng của Đoàn giám sát, cơ bản tán thành với báo cáo giám sát về những kết quả đã đạt được, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân trong quá trình ban hành chính sách và tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Quốc hội biểu dương sự cố gắng của đoàn giám sát, ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong quá trình giám sát. Ý kiến của các đại biểu Quốc hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu; chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết về kết quả giám sát để trình Quốc hội thông qua./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/quoc-hoi-khoa-xiv-khuyen-khich-tao-dieu-kien-tich-tu-ruong-dat/414360.vnp