Quốc hội đề nghị phân rõ trách nhiệm cá nhân để xảy ra tham nhũng

“Tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp...”- Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu báo cáo trước Quốc hội sáng nay (28-10) về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016.

Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu: Dù đã có sự chuyển biến nhưng tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp. Ảnh: T.Bình.

Hơn 135.000 tỷ đồng vi phạm

Theo Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, trong năm 2016, toàn ngành đã triển khai 6.732 cuộc thanh tra hành chính và 274.334 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 135.379 tỷ đồng, 14.613 ha đất; kiến nghị thu hồi 53.282 tỷ đồng và 6.551 ha đất, đã thu hồi 11.646 tỷ đồng, 739 ha đất.

Liên quan đến phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, ông Phan Văn Sáu cho biết: Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã phát hiện 49 vụ, 95 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.

Từ tháng 1-10-2015 đến tháng 30-9-2016, các cơ quan điều tra trong lực lượng Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 257 vụ án, 710 bị can phạm tội về tham nhũng. Khởi tố mới 142 vụ, 335 bị can, thiệt hại trên 241 tỷ đồng, 838 m ­ 2 đất, đã thu hồi 92,46 tỷ đồng và kê biên 7 bất động sản. Đồng thời kết luận điều tra 111 vụ, 418 bị can; hiện đang điều tra 135 vụ, 273 bị can.

Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 263 vụ, 634 bị can về các tội danh tham nhũng (giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2015).

Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 361 vụ với 931 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 194 vụ, 441 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 47,7% (tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2015); số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 12% (giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2015).

Đặc biệt, có 5 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng.

Báo cáo trước Quốc hội, Tổng thanh tra Chính phủ thừa nhận, dù đã có sự chuyển biến nhưng tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi.

Công tác PCTN tại các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng đều. Không ít địa phương đã thực hiện chưa tốt công tác PCTN. Công tác PCTN nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Chưa chỉ rõ địa chỉ

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: UBTP đồng tình với đánh giá của Chính phủ và cho rằng đánh giá này đúng với thực trạng hiện nay cũng như phản ánh của người dân, doanh nghiệp và xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ đã nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN nhưng chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền.

“Trong nhiều phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của bộ máy nhà nước trì trệ, nhất là tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng là do trong nhiều năm các Báo cáo này (về PCTN) vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung: “có một số nơi”, “có một bộ phận”, “một số người đứng đầu”, “một số cơ quan, đơn vị”… mà không có địa chỉ cụ thể nên không xác định được trách nhiệm cá nhân và không có tác dụng mạnh mẽ để chỉnh đốn, thay đổi; quyết tâm chống tham nhũng chỉ nằm trên văn bản, còn hành động trên thực tế lại chưa tương xứng”- Chủ nhiệm UBTP nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, bà Lê Thị Nga còn cảnh báo tình trạng có một số cán bộ còn bao che, tiếp tay, “bảo kê” cho vi phạm.

Vì vậy, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị “phải phân định rõ ràng trách nhiệm tập thể với trách nhiệm của từng cá nhân có thẩm quyền quyết định, tránh tình trạng khi xảy ra sai phạm, không quy được trách nhiệm cá nhân, lấy trách nhiệm tập thể làm nơi lẩn tránh an toàn cho trách nhiệm cá nhân”.

Chủ nhiệm UBTP nhận xét: Đề nghị trên của các đại biểu Quốc hội cũng rất nhất quán với quan điểm của người đứng đầu Chính phủ trong việc yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành nói phải đi đôi với làm và quy rõ trách nhiệm cụ thể khi xảy ra sai phạm. UBTP đồng tình và đề nghị Chính phủ kiên quyết thực hiện chủ trương này để xây dựng một Chính phủ liêm chính như cam kết của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội.

Trong chương trình làm việc ngày 28-10, Quốc hội nghe và thảo luận về các báo cáo: Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016; Báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Báo cáo công tác năm 2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án năm 2016; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án; Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/quoc-hoi-de-nghi-phan-ro-trach-nhiem-ca-nhan-de-xay-ra-tham-nhung.aspx