Quốc hội bàn chuyện tái cơ cấu

“Chúng tôi có cảm nhận 5 năm rồi nhưng tái cơ cấu vẫn chưa về tới địa phương. Việc coi tái cơ cấu là của Trung ương còn phổ biến nên Chính phủ cần phải có giải pháp để nâng cao nhận thức về tái cơ cấu cho các địa phương, coi nhiệm vụ tái cơ cấu là của chính mình", Đại biểu Quốc hội Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) phát biểu.

ĐBQH Phùng Văn Hùng phát biểu tại Quốc hội.

Đẩy mạnh kinh tế tư nhân

Trong phần phát biểu của mình, ông Hùng đánh giá quá trình tái cơ cấu thời gian qua có những tác động tích cực nhất định, việc chọn 3 khâu đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực trong thực hiện tái cơ cấu 5 năm qua có ý nghĩa quan trọng...

Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra, trong đề án tái cơ cấu mới trình, con số 10 triệu tỉ đồng không rõ sẽ lấy từ đâu. Theo ông Hùng, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là nhận thức chưa đầy đủ từ Trung ương tới địa phương về tầm quan trọng tái cơ cấu kinh tế.

“Chúng tôi có cảm nhận 5 năm rồi nhưng tái cơ cấu vẫn chưa về tới địa phương. Việc coi tái cơ cấu là của Trung ương còn phổ biến nên Chính phủ cần phải có giải pháp để nâng cao nhận thức về tái cơ cấu cho các địa phương, coi nhiệm vụ tái cơ cấu là của chính mình"- ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng mong muốn Quốc hội cần phải ra nghị quyết riêng về tái cơ cấu để đề cao tầm quan trọng của việc này. Lẽ ra, nghị quyết này phải được đưa ra từ năm 2013 để tạo thuận lợi cho công cuộc tái cơ cấu kinh tế.

Cùng với đó, ông Hùng cho rằng trong tái cơ cấu, Nhà nước phải là nhà kiến tạo, tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển. Nhưng hiện nay mới chỉ có các doanh nghiệp nhà nước tham gia vào tái cơ cấu là chính. Nếu không có sự tham gia của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước thì hiệu quả tái cơ cấu không cao.

"Chính phủ cần quyết liệt, không khoan nhượng trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhóm lợi ích..."- ông Hùng nói.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Phùng Văn Hùng, ĐBQH Phạm Phú Quốc (TP.HCM) cho rằng, trong suốt 30 năm qua, nền kinh tế vẫn còn thiếu tôn trọng các nguyên tắc của thị trường, nặng về can thiệp hành chính, thiếu đồng bộ giữa các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng không phù hợp, cách làm để thay đổi mô hình đó bị cản trở nhiều, khiến cho việc tái cơ cấu chưa thành công.

Do đó, theo ông Quốc, mục tiêu của tái cơ cấu là phải tạo cho nền kinh tế thế chủ động, độc lập, tự do, không phụ thuộc vào nền kinh tế lớn khác. Ngoài 2 trụ cột đẩy mạnh quản lý Nhà nước và tái cơ cấu ngành kinh tế được đề cập trong đề án, đại biểu này đề nghị bổ sung thêm trụ cột xác lập cộng đồng doanh nghiệp là đối tác của Chính phủ, là chủ lực trong tái cơ cấu kinh tế.

“Có như thế mới vững như kiềng 3 chân được. Chính phủ cần ủng hộ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn để khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt trên trường quốc tế đồng thời sớm hình thành cơ quan quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp”, ông Quốc nói.

Theo đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), để tái cơ cấu thành công, yếu tố quan trọng nhất là con người, cần phải củng cố bộ máy cho đồng bộ trước khi tiến hành tái cơ cấu. Bên cạnh đó, phải có chiến lược, sách lược cụ thể và quan trọng hơn cả là nguồn kinh phí để đầu tư cho các công trình, dự án dở dang hiện đang gặp khó.

Xử lý nghiêm cán bộ trong các dự án thua lỗ nghìn tỉ

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, quản lý sử dụng tài sản công lãng phí là mối quan ngại của nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội, đại biểu tỉnh Nghệ An đề nghị năm 2017 phải siết chặt quản lý ngân sách, quản lý chặt hơn nữa nợ công.

“Tôi trân trọng đề nghị Quốc hội không chỉ siết chặt nợ công mà còn giao cho Chính phủ phấn đấu làm giảm nợ công, phải giao cả cận trên và cận dưới của giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể nợ công không quá 65% GDP, đến 2020 không quá 63%; nợ Chính phủ không quá 53%, đến 2020 không quá 50%GDP; nợ nước ngoài quốc gia không quá 50%GDP, đến năm 2020 không quá 47%; Có như vậy cử tri cả nước mới yên lòng” - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị.

Đề cập đến các dự án nghìn tỉ do tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thực hiện chậm tiến độ, thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, ông Cầu cho rằng phải làm rõ trách nhiệm của các cán bộ liên quan và xử lý nghiêm.

“Tôi vô cùng lo lắng khi mà 4 dự án gồm nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, lọc dầu Dung Quất, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình đã lỗ 7.300 tỉ đồng còn nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 vốn đầu tư ban đầu là 3.843 tỉ đồng nay nâng lên thành 8.104 tỉ đồng. Việc cần làm là tập trung xử lý sớm nếu không nợ chồng lên nợ, đồng thời phải xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng này”, ông Cầu nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trương Minh Hoàng đề nghị Chính phủ sớm có báo cáo giải trình chi tiết về các dự án nghìn tỉ bị thua lỗ vì là nguyên nhân kéo lùi đà phát triển của nền kinh tế.

“Cần quy trách nhiệm rõ người chỉ đạo, làm rõ quá trình thực hiện và các bước xử lý tiếp theo nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Hoàng Long

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tai-chinh-dau-tu-c-98/quoc-hoi-ban-chuyen-tai-co-cau-46497.html