Quốc gia gánh núi nợ vì tiền Trung Quốc

Sân bay, cảng biển, đường sắt... do Trung Quốc xây dựng không có lợi nhuận hoặc bỏ trống chỉ khiến quốc gia nhận vốn đầu tư biến thành món nợ.

Myanmar, Campuchia và nhiều hơn nữa

Myanmar là quốc gia tiếp theo có nguy cơ rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc. Chính phủ Myanmar đang đứng trước sức ép phải chuyển giao đến 85% cổ phần tại dự án cảng biển trị giá 10 tỉ USD ở bang nghèo nhất nước này cho Bắc Kinh, bất chấp thỏa thuận ban đầu mỗi bên nắm giữ 50% cổ phần.

Từng được xem là biểu tượng của một Myanmar mở cửa và cải cách, vùng kinh tế đặc biệt Kyauk Pyu nằm trên đảo Ramree, bang Rakhine được kỳ vọng sẽ tạo ra thêm 100.000 việc làm khi có dòng tiền của Trung Quốc. Nhưng người Myanmar không có công việc khi công ty Trung Quốc đưa người Trung Quốc tới làm việc, còn môi trường thì bị phá hủy.

Dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 3,9 tỉ USD, có quy mô lớn thứ 15 thế giới do Trung Quốc đầu tư bị cáo buộc tàn phá môi trường nghiêm trọng và không đem lại lợi ích kinh tế cho Myanmar khi 90% lượng điện sản xuất sẽ chạy sang bên kia biên giới.

Gần đây, Bắc Kinh đã gây sức ép buộc Myanmar phải "bồi thường" sự bế tắc ở đập Myitsone bằng các dự án khác ở nước này.

Các tuyến hành lang kinh tế của Trung Quốc.

Các tuyến hành lang kinh tế của Trung Quốc.

Campuchia cũng đang bị cảnh báo có nguy cơ trở thành quốc gia sớm lâm vào cảnh nặng nợ của Trung Quốc. Báo cáo năm 2016 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy nợ nước ngoài của Campuchia là gần 5,5 tỉ USD, trong đó Trung Quốc chiếm tới 70% (khoảng 3,9 tỉ USD).

Năm ngoái, trong chuyến thăm tới Campuchia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã xóa khoản nợ 90 triệu USD. Nhưng sau đó, Trung Quốc cũng đạt được thỏa thuận cho thuê 20% bờ biển của Campuchia để xây cảng nước sâu và thuê suốt 99 năm.

Không chỉ vậy, hàng loạt quốc gia nằm trên Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc cả trên biển và đất liền ở cả châu Á, Âu, Mỹ và châu Phi đều đang đứng trước các cơ hội kinh tế to lớn được Trung Quốc vẽ ra. Nhưng kết quả, quốc gia của họ được gì sau khi vay các khoản tiền khổng lồ đó? Câu trả lời chỉ là: Nợ!

Brahma Chellaney, Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách New Delhi, nói: "Các dự án mà Trung Quốc đề xuất là quá lớn và hấp dẫn và mang tính cách mạng mà nhiều quốc gia nhỏ không thể cưỡng lại. Họ vay tiền như là nghiện ma túy và sau đó bị mắc kẹt trong nợ nần. Đó rõ ràng là một phần trong tầm nhìn chiến lược của Trung Quốc".

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/quoc-gia-ganh-nui-no-vi-tien-trung-quoc-3343484/