"Quê hương"- bài thơ của người "ở lại"

Rất nhiều người thuộc và yêu thích bài thơ Quê hương của Giang Nam. Nhưng không phải ai cũng biết tác giả bài thơ gây xúc động cho nhiều thế hệ này, 55 năm trước cũng từng phải đắn đo "đi tập kết hay ở lại miền Nam?"...

Năm 1954, nhà thơ Giang Nam (tên thật Nguyễn Sung) bước sang tuổi 25, và cũng vừa xây dựng gia đình với một nữ cán bộ. Đã học đến tú tài và đang ở cương vị Phó trưởng ty Thông tin kháng chiến tỉnh Khánh Hòa, Giang Nam được tổ chức gợi ý nên đi tập kết ra Bắc để học lên đại học, chuẩn bị nguồn nhân lực cho tỉnh, cho miền Nam sau này. Giang Nam kể: "Tôi suy nghĩ rồi dứt khoát từ chối lời gợi ý đó. Chỉ vì một lý do: không nỡ bỏ đồng bào, xóm làng trong bối cảnh địch nhất định sẽ đàn áp, giết hại họ. Bên cạnh đó, còn tình cảm gia đình: vợ tôi là đảng viên, được bố trí ở lại làm công tác bí mật trong thành phố". Thời điểm đi - ở ấy, không thể hình dung hết những gian nan, nguy hiểm mà những cán bộ ở lại miền Nam đã trải qua sau khi chuyến tàu tập kết cuối cùng rời cảng Qui Nhơn. Để tránh những đợt "tố cộng, "diệt cộng" liên miên, vợ chồng Giang Nam đã phải liên tục đổi địa bàn hoạt động, từ Khánh Hòa vào tận miền Đông Nam bộ. Thường xuyên xa nhau để giữ bí mật, anh chị rồi cũng có được mụn con gái vào năm 1958. Tội nghiệp đứa nhỏ, nó cũng nhớ cha, dù chẳng được cha ôm ấp nhiều. Những lúc con khóc đòi cha, vợ anh phải lấy chiếc áo cũ của anh đắp cho con, nó mới nín và chịu ngủ. Thời gian này, Tỉnh ủy Khánh Hòa quyết định rút một số cán bộ trước đây được bố trí đổi vùng trở lại hoạt động trong tỉnh. Đang hoạt động ở vùng ven Sài Gòn, Thủ Dầu Một, Bà Rịa... Giang Nam được một nữ giao liên từ Nha Trang vào bắt liên lạc. Sau khi nhận được thư của Bí thư Tỉnh ủy, nhà thơ Giang Nam kể: "Tôi rời thị xã Biên Hòa vào tháng 4/1959 trong vai một công chức cùng một đồng chí dẫn đường đóng giả làm vai một người buôn bán, để lại nơi thành phố còn lạ lẫm ấy hai người thân yêu: vợ tôi và con gái tôi (lúc này cháu mới được năm tháng). Buổi chia tay thật xót xa: một bên là nhiệm vụ cách mạng, là tiếng gọi của Đảng; một bên là gia đình: hai mẹ con ốm yếu, không nơi nương tựa. Lúc đầu tôi cũng có ý định hoãn chuyến đi của mình. Nhưng bức thư của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã dặn dò: tình hình đang khó khăn, cơ sở công khai bị lộ, địch theo dõi gắt gao... nếu không đi chuyến này thì chưa biết lúc nào mới móc nối lại được. Tôi về chiến khu công tác hơn sáu tháng thì được tin cơ sở báo lên: vợ tôi và cháu đã bị bắt ở Thủ Đức và bị đưa về Sài Gòn giam ở nhà lao Chí Hòa. Con gái tôi còn bú sữa mẹ cũng bị bắt theo". Ảnh: Lê Minh Trường Trong cuốn "Sống và viết ở chiến trường", Giang Nam cũng đã ghi lại sự kiện đau buồn đó: "Đang ở căn cứ bí mật của tỉnh ủy Khánh Hòa, tôi được Phó bí thư tỉnh ủy mời sang thông báo tin dữ: vợ con tôi đã bị thủ tiêu trong nhà lao rồi. Tôi nghe tin mà choáng váng như trời vừa sập. Những kỷ niệm cũ, tình yêu e ấp, vụng dại, những giận hờn và buổi chia tay đầy nước mắt, cả hai mẹ con cô ấy đều khóc ròng... Tất cả như sống dậy xót xa, nhức nhối và rõ ràng cứ như mới xảy ra hôm qua. Tôi đã viết bài thơ Quê hương trong tâm trạng đau đớn tột cùng ấy. Rồi tôi đã gửi bài thơ ấy theo đường giao liên ra cho báo Thống Nhất ở Hà Nội. Khoảng tháng 8 năm 1961, trên đường công tác từ huyện Khánh Sơn đi Khánh Vĩnh, khi dừng chân ở một trạm nghỉ, tôi đã được nghe tin qua Đài Tiếng nói Việt Nam là bài thơ Quê hương của tôi được giải nhì báo Văn Nghệ. Tôi mừng run lên, báo ngay cho anh em cùng đoàn công tác. Tôi như thấy vợ con tôi ở bên kia thế giới về lại cùng tôi. Vài tháng sau, tôi nhận được từ miền Bắc bức thư của báo Văn Nghệ do anh Hoàng Trung Thông ký, thông báo việc bài thơ của tôi đoạt giải. Bức thư có in vi-nhét báo Văn Nghệ vượt Trường Sơn ấy đã được tôi nâng niu như một của quý. Có lần bom địch đánh trúng căn cứ cơ quan văn nghệ ở Củ Chi năm 1973, xe đạp và sổ ghi chép của tôi cháy hết, nhưng bức thư ấy còn nguyên, vì tôi đã cất nó vào thùng đạn trung liên chôn ở một nơi an toàn". Gần 50 năm rồi, bức thư báo tin bài thơ Quê hương vẫn còn được Giang Nam giữ nguyên vẹn. Rõ ràng là trong bài thơ ấy chứa đựng nguyên vẹn tình yêu đằm thắm vô bờ mà nhà thơ đã dành cho vợ con: "Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn roi/ Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi". Một đời hoạt động cách mạng và làm văn chương, Giang Nam được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Giải thưởng về văn học nghệ thuật năm 2001. Ông cũng rất được bạn đọc yêu thơ trân trọng. Nhưng có lẽ điều làm ông xao xuyến nhất trong cả cuộc đời, chính là tình yêu quê hương thấm đượm hòa lẫn trong tình yêu vô bờ ông dành cho người vợ yêu của mình, thể hiện đặc sắc trong bài thơ Quê hương. Bài thơ ấy, như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhận xét trong lần gặp Giang Nam thời đất nước còn chiến tranh: "Thơ cần chân thật, tự trong lòng mình viết ra. Quê hương là một bài thơ chân thật nên người ta thích". Thanh Nguyễn

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2009/Pages/Que-huong-bai-tho-cua-nguoi-o-lai.aspx