Quanh quẩn chuyện game...

Nếu cứ hiểu game là không tốt thì có lẽ các trò chơi trên truyền hình lẫn trên mạng internet hiện nay đều phải cấm. Hầu hết các chương trình giải trí trên truyền hình lớn nhỏ xét cho cùng cũng chỉ là trò chơi. Bởi thế nếu cứ nghe học sinh chơi game rồi hốt hoảng cấm thì cũng chưa đúng. Mà nếu cứ để các nhà tổ chức trò chơi “xông” vào trường học gạ gẫm các em chơi thì cũng là chuyện lạm dụng chốn học đường. Câu chuyện game trực tuyến Chinh phục vũ môn là một ví dụ.

Trường Tiểu học Ái Mộ B (Hà Nội) với sân chơi trí tuệ Tiếng Anh trên Internet.

Điển hình của trò chơi (tức game) mà lại dường như huy động được các trường THPT trong cả nước tham gia một cách hoan hỉ theo kiểu màu cờ sắc áo và thu hút sự quan tâm ủng hộ nhiệt tình của xã hội là “Đường lên đỉnh Olympia”. Về thực chất, đó là một trò chơi trên truyền hình, cũng giống như “Ai là triệu phú”, nó hấp dẫn và có vẻ “sang trọng” bởi đó là trò chơi kiến thức. Cái giỏi của các nhà tổ chức Đường lên đỉnh Olympia là ở cách tổ chức đăng ký chơi theo đề cử chính thức của các nhà trường, có phần thưởng cho nhà trường và sự đăng quang của cá nhân người chơi mang lại cả danh tiếng cho các nhà trường.

Còn nói về game - tức trò chơi - được mở ra dưới danh nghĩa những cuộc thi kiến thức dành cho học sinh cũng đang được tổ chức ở quy mô toàn quốc hiện nay trên mạng internet thì phải kể đến các cuộc thi trực tuyến như Violympic- Giải Toán trên mạng internet, GoIOE - tiếng Anh trên mạng internet… Cũng giống như các cuộc thi trên truyền hình, do quy mô tổ chức theo các trường học mà nhiều phụ huynh và các nhà trường đều quan niệm nó giống như những cuộc thi học sinh giỏi, trong khi về thực chất, tên gọi của nó không gì khác cũng là game.

Như vậy, ở những trường hợp cụ thể này, game - tức trò chơi kiến thức dành cho học sinh đã có phần lợi ích nhiều hơn, vì thế người ta không có chút băn khoăn.

Trở lại với vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm hiện nay là Trung ương Đoàn sau đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định tạm dừng cuộc thi Chinh phục vũ môn sau một bức tâm thư của một phụ huynh gửi Bộ. Chinh phục vũ môn hiện đang có một cuộc thi và một trò chơi online cùng tên, cùng là trò chơi kiến thức. Điều khiến phụ huynh bức xúc có lẽ ở chỗ người chơi game Chinh phục vũ môn có thể nạp tiền (tuy không bắt buộc) để nâng cấp các vật phẩm trang bị.

Trong điều kiện hiện nay, liệu chúng ta có cấm được học sinh truy cập internet và tham gia các trò chơi ở đó hay không? Câu trả lời là rất khó, khó từ trong mỗi gia đình, chứ đừng nói tới cả xã hội. Vậy thì nếu có nhiều hơn các trò chơi trên mạng bổ ích và hấp dẫn để thu hút các em tham gia thì cũng tốt. Cái đáng nói trong những trường hợp này, là việc các đơn vị tổ chức trò chơi trên mạng hợp tác với các nhà trường để huy động các em tham gia. Hệt như cách mà các chương trình dạy tiếng Anh của nhiều trung tâm giáo dục hiện nay họ đang làm, là vào tận từng trường học, hợp tác đào tạo, mở lớp dạy ngay trong các buổi chính khóa của các nhà trường.

Có thể nói một cách dễ hiểu theo đúng ngôn ngữ của thời buổi kinh tế thị trường ngày nay là các nhà sản xuất game hoặc các trung tâm ngoại ngữ đang tiếp thị vào tận các nhà trường để “bán hàng” dù cho các sản phẩm ấy “có màu sắc giáo dục”.

Việc này cũng không hẳn đã sai, nhất là trong điều kiện chúng ta chủ trương xã hội hóa giáo dục hiện nay. Nhưng vì các cuộc thi, mà thực chất nên hiểu là trò chơi kiến thức trực tuyến trên mạng internet, một khi đã được đưa vào các nhà trường, thì sản phẩm ấy buộc phải được thẩm định kỹ càng cẩn trọng. Nhất là khi nó khiến các em và các phụ huynh hiểu rằng nhà trường tổ chức hoặc khuyến khích tham gia. Bởi vì đã là nhà trường, tức môi trường giáo dục chính thức, thì học sinh, phụ huynh sẽ tuyệt đối tin tưởng vào đó.

Các nhà sản xuất trò chơi đương nhiên chạy theo lợi nhuận, họ sẽ nhằm vào túi tiền của phụ huynh bằng cách lôi kéo học sinh. Vì thế nếu học sinh được cung cấp một sản phẩm không tốt, thì lỗi thuộc về những người đã cho phép nó được đưa vào nhà trường, giới thiệu đến các em.

Dừng cuộc thi Chinh phục vũ môn để rà soát là cần thiết. Nhưng Chinh phục vũ môn cũng nên được coi là một dịp để rà soát lại tất cả các cuộc thi (mà thực chất là game) trên mạng hiện nay vẫn đang được tổ chức ở quy mô lớn, huy động sự tham gia của rất nhiều học sinh trong các trường học trong cả nước. Nếu đó thực sự là những trò chơi bổ ích, học mà chơi, chơi mà học thì chúng ta cũng chẳng có gì đáng phải hốt hoảng khi trẻ em tham gia chơi game. Còn nếu phần kiến thức chỉ là cái cớ để trẻ dấn thân vào những trò chơi gây nghiện, phần lợi thì ít, phần hại thì nhiều, thì phải loại bỏ các trò chơi ấy ra khỏi nhà trường.

Thành Vĩnh

Từ khóa

chuyện game quanh quẩn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/quanh-quan-chuyen-game/140675