Quảng Trị: Xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở hạ lưa đập thủy lợi Nam Thạch Hãn

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp với Công ty tư vấn Thủy lợi 1 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi, bàn bạc và nghiên cứu đưa ra phương án xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở hạ lưu đập thủy lợi Nam Thạch Hãn bị hư hại do mưa lũ.

Nước xói lở vùng hạ lưa đập nam Thạch Hãn.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới vừa qua, trên địa bàn Quảng Trị xảy ra mưa vừa đến mưa to, có nơi rất to, tại Thạch Hãn lượng mưa đo được 410mm; mưa tập trung trong thời gian ngắn nên tại công trình đầu mối Nam Thạch Hãn lượng nước thượng lưu đạt đến cao trình 14,85m, mực nước hạ lưu đạt 7,08m.

Mưa lũ lớn đã làm phá vỡ phần kết cấu bê tông sân tiêu năng tràn xả lũ; trong đó, phần bê tông cốt thép sân tiêu năng (phía bờ Nam) bị cuốn trôi, kích thước 975m2, chiều sâu trung bình 2m, chỗ sâu nhất 3,5m; hầu hết phần bê tông mặt còn lại của sân tiêu năng đã bị phồng rộp và lún sập; phần cát sỏi khoan phụt xử lý nền đá bị cuốn trôi, phía dưới nền bê tông tạo ra nhiều hang rỗng. Các vị trí bị xói lở ảnh hưởng rất lớn đến an toàn của công trình.

Hệ thống thủy nông Nam Thạch Hãn được xây dựng vào tháng 3/1978, có nhiệm vụ tưới cho 14.867ha đất canh tác vùng Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và Hải Lăng, tạo nguồn cung cấp nước cho 200 ha nuôi trồng thủy sản và cấp nước cho hệ thống nước sạch thị xã Quảng Trị. Hạng mục tràn xã lũ công trình đầu mối Nam Thạch Hãn được đầu tư xây dựng vơi hình thức tràn đỉnh rộng, chảy tự do, hình thức tiêu năng đáy, có lưu lượng xả lũ thiết kế 7.300m3/s.

Qua kiểm tra tình hình thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp với Công ty tư vấn Thủy lợi 1 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi, bàn bạc và nghiên cứu đưa ra phương án xử lý khẩn cấp. Phương án phải đảm bảo an toàn, có tính khoa học; xử lý tạm thời nhưng có tính đến mục đích lâu dài; tính toán đến công năng để tiết kiệm chi phí không cần thiết, tránh đề xuất những việc vượt khả năng của tỉnh; đồng thời lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực về chuyên môn, kinh nghiệm và tài chính để tập trung thời gian và nhân lực triển khai thực hiện khẩn trương. Trước mắt, xóa bỏ các vật cản của dòng chảy, trả lại nguyên trạng của đập thủy lợi; về lâu dài, phải đánh giá lại dòng thấm để khắc phục triệt để hiện tượng dòng chảy xói mòn. Ngoài ra, cần xem xét huy động các nguồn lực để nhanh chóng xử lý, gia cố lại và đảm bảo an toàn cho hệ thống thủy nông Nam Thạch Hãn.

Hữu Tiến

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/quang-tri-xu-ly-khan-cap-tinh-trang-sat-lo-ha-lua-dap-thuy-loi-nam-thach-han.html