Quảng Trị: Tàu và 3 thuyền viên trôi dạt trên biển, đang chờ ứng cứu

Gần 3 ngày nay, tàu kéo và 3 thuyền viên gặp nạn vẫn đang trôi tự do trên biển Hải Lăng (Quảng Trị) trong tình trạng nước ngọt và lương thực đã sắp hết.

Ngày 2/11, tin nhanh từ Đồn Biên phòng Mỹ Thủy, thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, một tàu kéo sà lan đang trôi tự do ngoài biển Hải Lăng (Quảng Trị).

Theo ông Mai Ánh Dương (trú tại tỉnh Nam Định - chủ sà lan), chiếc tàu kéo gặp nạn mang số hiệu DNA - 0494. Trên tàu có một thuyền trưởng và 2 thủy thủ. Đến thời điểm hiện tại, phương tiện này vẫn đang lênh đênh ngoài biển.

Anh Nguyễn Rôn (con trai ông Nguyễn Dũng, chủ tàu kéo) cho biết, vào ngày 31/10, khi đang kéo sà lan của ông Dương từ Nam Định vào Quảng Nam, đến vùng biển của tỉnh Quảng Trị, tàu đột nhiên chết máy. Sau một ngày trôi dạt trên biển, do sóng to gió lớn, để đảm bảo an toàn cho tính mạng con người và tàu kéo, các thuyền viên đã cắt dây neo thả sà lan.

Lực lượng Đồn Biên phòng Mỹ Thủy đang tích cực chôn neo sà lan gặp nạn.

Chiếc sà lan sau đó trôi dạt vào làng Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng. Còn chiếc tàu vẫn đang trôi tự do cách bờ khoảng 3 hải lý.

"Như các thuyền viên ở trên tàu điện về thông báo, lương thực, nước ngọt ở ngoài đó đã gần hết. Một trong 3 thuyền viên đang có triệu chứng đau bụng. Chúng tôi giờ lực bất tòng tâm, số phận của các thuyền viên lúc này chỉ trông chờ vào lực lượng cứu hộ", anh Rôn lo lắng nói.

Ghi nhận của PV tại hiện trường, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Mỹ Thủy đang tích cực neo đậu sà lan bị trôi dạt, tránh va đập vào các ống dẫn nước hồ nuôi tôm của người dân.

Một cán bộ tham gia cứu hộ cho biết: “Do sóng biển lớn, kết hợp gió to nên phương tiện của đồn chưa thể tiếp cận được chiếc tàu gặp nạn. Chúng tôi đang nỗ lực tìm cách áp sát chiếc tàu để có phương án ứng cứu”.

Điều 214 Bộ luật hình sự quy định Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn như sau:

“1. Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường thủy mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không bảo đảm an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

PVMT

Xem thêm video:

Nguồn: Tinnhanhonline.vn

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/quang-tri-tau-va-3-thuyen-vien-troi-dat-tren-bien-dang-cho-ung-cuu-a168859.html