Quảng Trị: Đường thành 'đê' khiến nước ngập nhanh, thoát chậm ở vùng rốn lũ

Vùng rốn lũ ở huyện Cam Lộ gồm các xã Cam Hiếu, Cam Thủy (tỉnh Quảng Trị) được đầu tư xây dựng cầu Cam Hiếu từ năm 2012, nhưng ngay từ khi dự án khởi động, người dân và chính quyền đã lo ngại về phương án thoát lũ của tuyến đường. Lo lắng là có cơ sở, trận lũ hôm 1.11 vừa rồi xảy ra ở huyện Cam Lộ cho thấy thiết kế của tuyến đường còn bất cập...

Đoạn đường đang thi công bị nước lũ xé nát 2 đoạn. Người dân và địa phương cho rằng, do khả năng thoát nước của đoạn đường kém khiến đường thành đê chắn nước lũ. Ảnh: Hưng Thơ.

Chính quyền và người dân lo lắng

Ông Lê Lượng (thôn Lâm Lang 1, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) nhìn ra cánh đồng rộng lớn ngay trước mắt đang ăm ắp nước mà nẫu ruột, nơi này vừa trải qua một trận lụt lớn bất ngờ. Ông Lượng kể: "Trận lụt vừa rồi nước về nhanh, dâng lên nhanh nhưng lại rút đi rất chậm. Nhà tôi ở nơi cao, những năm trước nước chỉ xâm xấp nhưng năm nay ngập gần cả mét, gần nhà tôi có nơi ngập hơn 2 mét".

Người dân và chính quyền địa phương lo ngại cống thoát nước nhỏ, nơi xung yếu quá ít cống nên khả năng thoát nước của đoạn đường vào mùa mưa lũ kém. Ảnh: Hưng Thơ.

Theo ông Lượng, việc nước ngập sâu và lâu rút một phần do tuyến đường đắp ngang cánh đồng. "Trước đây, lụt không ăn thua, nhưng bây giờ do tuyến đường cắt ngang cánh đồng đắp cao quá, lại ít cống thoát nước nên nước đổ về là bị ngập sâu" - ông Lượng nói thêm. Ông Lượng còn dẫn chứng, trận lũ hôm 1.11 nước chỉ rút sau khi đoạn đường cầu Cam Hiếu bị nước lũ xé nát, cuốn trôi 2 đoạn, chỉ còn trơ cái cống.

Ông Tạ Phước - Phó Chủ tịch xã Cam Thủy - xác nhận, qua các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương, người dân phản ánh và lo lắng nhiều về tuyến đường này. "Bữa giờ chưa lụt nên chưa được kiểm nghiệm, chừ lụt rồi chứng minh phản ánh của người dân có cơ sở. Vì đường đắp cao mà cống quá ít, quá nhỏ" - ông Phước, thông tin.

Sẽ xem xét lại thiết kế

Theo UBND huyện Cam Lộ, đến thời điểm này huyện đã có 2 văn bản gửi Sở GTVT tỉnh Quảng Trị đề nghị khảo sát, điều chỉnh, bổ sung thiết kế công trình dự án cầu Cam Hiếu. Theo đó, ngày 20.8.2015, huyện đã có công văn gửi Sở GTVT về việc kiểm tra khả năng thoát lũ dự án cầu Cam Hiếu, nhưng chưa nhận được ý kiến trả lời.

Tiếp đến, ngày 9.11.2016, huyện Cam Lộ tiếp tục có văn bản gửi Sở GTVT tỉnh Quảng Trị. Trong đó nêu rõ trận lũ diễn ra ngày 1.11.2016 cho thấy nhiều bất cập trong thiết kế cũng như thi công đoạn đường hai đầu cầu.

Cụ thể, nền đường hai đầu cầu đắp đất cao, thân đường dài tạo thành đê chắn làm cho nước lũ thoát chậm, mực nước dâng cao; bất cập trong việc bố trí các cống thoát nước trên đường (ở khu vực rốn lũ nhưng bố trí quá ít cống ngang qua đường) trong khi lưu lượng nước mưa từ thượng nguồn chảy về rất lớn, các cống không đủ năng lực thoát nước. Trong quá trình thi công đường hai đầu cầu Cam Hiếu, nhân dân trong vùng đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, huyện có kiến nghị với Sở Giao thông vận tải nhưng không được điều chỉnh, bổ sung thiết kế.

"Để giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân trên địa bàn, UBND huyện Cam Lộ kính đề nghị Sở Giao thông - Vận tải xem xét quan tâm chỉ đạo các ngành liên quan sớm tổ chức khảo sát, bổ sung thiết kế, có phương án và biện pháp khắc phục hợp lý. Đồng thời, chỉ đạo các ngành giúp nhân dân thu dọn phần đất đá bồi lấp ruộng sản xuất ở hạ lưu các cống thoát nước và sớm xây dựng, hoàn thiện đường hai đầu cầu Cam Hiếu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và phát triển sản xuất" - văn bản của UBND huyện Cam Lộ gửi Sở GTVT tỉnh Quảng Trị, nêu rõ.

Do nước lũ bị lên nhanh, đoạn đường bị xé nát, trơ cống rất nhỏ. Theo cơ quan chức năng, do đoạn đường chỉ mới được đắp chứ chưa ru lèn, nên mới xảy ra tình trạng bị nước lũ cuốn trôi hai đoạn. Ảnh: Hưng Thơ.

Ông Võ Phong Luân - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án và xây dựng giao thông - thuộc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị - cho biết, dự án đầu tư xây dựng cầu Cam Hiếu (cả cầu và đường hai đầu cầu dài 3.314m) được phê duyệt và thi công vào năm 2012. Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư hơn 284 tỉ đồng, nhưng đến nay đã cắt giảm và chưa giải ngân hết nên phần đường đang thi công dang dở. Theo thiết kết, tần suất ngập lũ của đường và cống là 10%.

Ban đầu, đoạn đường có 28 cống, nhưng sau đó người dân kiến nghị nên đã bổ sung thêm 3 cống, những cống qua đoạn có khả năng ngập có tiết diện lớn hơn. "Khả năng thoát nước của tuyến đường đã được tính toán kỹ theo tần suất, thiết kế. Nhưng người dân và chính quyền địa phương đã phản ánh như vậy, thì chúng tôi sẽ yêu cầu bộ phận thiết kế đi kiểm tra để xem xét lại. Để đảm bảo khi tuyến đường hoàn thành, đi vào sử dụng sẽ không có bật cập gì" - ông Luân, nói.

Liên quan đến 2 đoạn đường bị nước lũ xé nát, cuốn trôi hết lớp đất đá, chỉ còn trơ cống, ông Luân giải thích là vì đường chỉ mới đắp lên, chưa ru lèn kĩ nên khi nước lũ về mạnh đã cuốn trôi 2 đoạn.

Hưng Thơ

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/quang-tri-duong-thanh-de-khien-nuoc-ngap-nhanh-thoat-cham-o-vung-ron-lu-613216.bld