Quảng Ninh: Vụ cưỡng chế THA đầu tiên do Văn phòng Thừa phát lại thực hiện

Theo ông Bùi Văn Kha, Trưởng văn phòng Thừa phát lại Hạ Long, đây là vụ cưỡng chế thi hành án có sử dụng lực lượng đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và cũng là hy hữu trên toàn quốc mà Văn phòng Thừa phát lại với vai trò chủ trì thực hiện.

Cụ thể, hôm qua (25/11/2016) dưới sự chứng kiến, phối hợp của 18 cơ quan, đoàn thể gồm đại diện Viện kiểm sát, công an, phòng ban chuyên môn của TP Hạ Long, đại diện đoàn thể như phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc…Văn phòng Thừa phát lại TP Hạ Long đã tiến hành cưỡng chế THA, buộc ông Đ. V.N và bà K. T. H địa chỉ phường Hồng Hải, TP Hạ Long (Quảng Ninh) phải trả cho Ngân hàng thương mại CP phát triển nhà ĐBSCL số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Bảo đảm cho số tiền phải thanh toán trên là quyền sử dụng đất 60m2 và tài sản gắn liền trên đất (nhà ở 4 tầng diện tích 294m2) thuộc ô số 46 KTX lấn biển sau làng giao thông cạnh Công ty Đông Bắc thuộc bản vẽ định vị chia ô cắm mốc khu C phường Hồng Hải theo GCN quyền sử dụng đất số S747485 do UBND tỉnh Quảng Ninh cấp năm 2001.

Vụ cưỡng chế THA đầu tiên tại Quảng Ninh do Văn phòng Thừa phát lại chủ trì thực hiện

Tại buổi cưỡng chế THA, ông Kha cho biết, đây là trường hợp vay nợ ngân hàng có sử dụng tài sản thế chấp nhưng đến hạn không thực hiện theo hợp đồng nên bị ngân hàng kiện ra tòa. Sau khi tòa xử, bản án có hiệu lực pháp luật thì ngân hàng yêu cầu được thi hành án. Căn cứ vào yêu cầu phía ngân hàng lựa chọn Văn phòng Thừa phát lại để thực hiện thay bằng Chi cục THA dân sự thì chúng tôi vào cuộc.

Theo khoản 14 Điều 2 Nghị định 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 61/2009/NĐ-CP về Thừa phát lại: Trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ, Văn phòng Thừa phát lại phải báo cáo, xin ý kiến của Trưởng Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.

Trên cơ sở ý kiến của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại lập kế hoạch cưỡng chế, báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, kèm theo hồ sơ thi hành án để Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự xem xét, phê duyệt kế hoạch cưỡng chế và ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Sau đó đã được Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh phê duyệt kế hoạch và ra Quyết định cưỡng chế thi hành án giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá số 02/QĐ-CTHADS ngày 19/9/2016.

Hoạt động Thừa phát lại còn khá mới với người dân

Sau khi được phê duyệt và ra quyết định cưỡng chế thi hành án, Thừa phát lại Hạ Long đã thực hiện việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự và quy định của Nghị định này về cưỡng chế thi hành án – ông Kha cho biết thêm.

Cũng theo ông Kha, trước khi công bố quyết định cưỡng chế, đại diện văn phòng Thừa phát lại Hạ Long đã yêu cầu lần cuối đề nghị ông N và bà H tự nguyện giao tài sản cho người trúng đấu giá. Tuy nhiên, bà H đã chống đối và phải đến gần 12h trưa (25/11), tài sản trúng đấu giá mới được bàn giao cho chủ mới.

Mặc dù ra đời nhiều năm nay nhưng Thừa phát lại còn rất mới mẻ, lạ lẫm nên người dân, doanh nghiệp, cán bộ, cơ quan nhà nước thậm chí cán bộ tư pháp, những người hành nghề luật chưa biết đến “Thừa phát lại” là gì. Qua đó, việc triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại ở một số tỉnh, thành trong toàn quốc nói chung, Quảng Ninh nói riêng là một hoạt động mới và đối với nhiều người dân vẫn còn xa lạ. Hầu hết các công việc Thừa phát lại được làm đều đang do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, nên người dân chưa quen nhìn nhận, tin tưởng và sử dụng dịch vụ này để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ cá nhân, tổ chức của mình.

Dưới sự chứng kiến, phối hợp của 18 cơ quan, đoàn thể Văn phòng Thừa phát lại TP Hạ Long đã tiến hành cưỡng chế THA

Theo ông Bùi Văn Kha, Trưởng văn phòng Thừa phát lại Hạ Long, Văn phòng Thừa phát lại ở địa phương thời gian qua là một yêu cầu cấp thiết, góp phần thực hiện chủ trương cải cách hành chính nói chung và cải cách tư pháp nói riêng đúng với đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, chủ trương chính sách của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt với phương châm “Tuân thủ pháp luật, đem lại lợi ích đến mọi người”, các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động không chỉ phù hợp, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các tổ chức xã hội, nhân dân trên địa bàn mà còn đáp ứng nhu cầu cấp thiết phát triển của xã hội, phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước.

Hoạt động chế định Thừa phát lại còn góp phần đắc lực xây dựng tỉnh Quảng Ninh, đất nước ngày càng giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đồng thời tạo cho người dân và tổ chức ở địa phương thêm cơ hội lựa chọn cho mình một “lá chắn” tối ưu nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho mình – ông Kha khẳng định

Thành Vinh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/quang-ninh-vu-cuong-che-tha-dau-tien-do-van-phong-thua-phat-lai-thuc-hien/