Quảng Ninh: TP Uông Bí dự định xây thêm đền thờ doanh nhân Bạch Thái Bưởi

Mới đây, UBND TP Uông Bí tổ chức hội nghị lấy ý kiến về chủ trương của địa phương, xây dựng đền thờ doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Ông là 1 trong 4 doanh nhân thành đạt, giàu có nhất Việt Nam đầu thế kỷ XX.

TP Uông Bí dự định triển khai xây dựng thêm đền thờ doanh nhân Bạch Thái Bưởi tại khu hồ Yên Trung.

Hội nghị được đánh giá thành công bởi nhiều người tán thành ý kiến của lãnh đạo TP. Tuy nhiên, bên lề hội nghị và dư luận còn nhiều băn khoăn về chủ trương này.

Hội nghị đã đưa ra dự định xây dựng đền thờ vị doanh nhân nói trên tại khu vực hồ Yên Trung, rộng 63ha. Hồ này đang chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở phường Phương Đông. Hồ Yên Trung phong cảnh đẹp, nằm trong quy hoạch “siêu” dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái resort của Cty CP Đầu tư ATS Hà Nội, có quy mô hơn 400ha, tổng giá trị đầu tư 1.300 tỷ đồng. Vì vậy, hội nghị này cũng là dịp thăm dò khả năng đóng góp của các doanh nghiệp, để xã hội hóa đầu tư.

Hồ Yên Trung là khu du lịch sinh thái hấp dẫn.

Cụ Bạch Thái Bưởi (1874- 22/7/1932) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng An Phúc (Yên Phúc), phường Phúc La, thị xã Hà Đông (nay là Hà Nội). Tên thật của cụ là Đỗ Thái Bửu, cha là Đỗ Văn Cóp. Người cha mất sớm, hoàn cảnh khó khăn, cụ được một nhà giàu họ Bạch nhận làm con nuôi. Từ đó cụ thay tên đổi họ. Sinh thời, cụ được xếp vào danh sách bốn người giàu có nhất Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ XX (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi).

Các lĩnh vực kinh doanh nổi bật nhất của cụ Bạch Thái Bưởi là hàng hải, khai thác than và in ấn. Cụ Bạch Thái Bưởi được mệnh danh là chúa sông Bắc kỳ. Công ty của cụ Bạch Thái Bưởi hoạt động khắp Đông Dương và các nước lân cận như Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Philippines. Đỉnh cao phát triển của Công ty vào khoảng cuối thập niên 1920 đầu 1930. Khi ấy, Công ty có 2.500 người với trên 40 con tàu chạy trên tất cả các tuyến đường sông phía Bắc và các nước lân cận.

Sau kinh doanh hàng hải của Bạch Thái Bưởi là kinh doanh văn hóa. Cụ đã đầu tư xây dựng Công ty in và Xuất bản lấy tên là Bạch Thái Bưởi, sau đổi tên là Đông Kinh ấn quán. Năm 1921, Bạch Thái Bưởi cho ra đời tờ báo hàng ngày mang tên Khai hóa nhật báo.

Năm 1928, Bạch Thái Bưởi khởi nghiệp khai mỏ. Cụ được cấp phép khai thác than ở vùng Quảng Yên. Cương vực ngày ấy gồm cả thành phố Uông Bí và huyện Hoành Bồ.

Cụ Bạch Thái Bưởi mất ngày 22/7/1932, tại thành phố Hải Phòng, sau một cơn đau tim.

Cuộc đời và sự nghiệp kinh doanh của cụ Bạch Thái Bưởi đã được nhiều doanh nhân Việt Nam sau này coi là một tấm gương sáng. Những tôn chỉ nghiêm túc trên thương trường của cụ là thương phẩm, thương hội, tín thực, kiên tâm, nghị lực, trọng nghề, thương học, giao thiệp, tiết kiệm.

Cụ Bạch Thái Bưởi là một doanh nhân Việt Nam được nhiều tổ chức, nhiều địa phương tôn vinh. Hiện ở TP Uông Bí, có một doanh nghiệp của TKV mang tên Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Bạch Thái Bưởi. Bến cảng bốc hàng của doanh nhiệp này ở bờ sông Đá Bạc, cũng gọi là cảng Bạch Thái Bưởi. Một số nơi khác, như khu đô thị Văn Quán quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, thành phố Nha Trang cũng có đường mang tên Bạch Thái Bưởi.

Mặc dù vậy, vấn đề xây dựng đền thờ cụ Bạch Thái Bưởi ở thành phố Uông Bí thì còn nhiều băn khoăn bởi Uông Bí không phải là quê hương và không phải là nơi phát tích sự nghiệp kinh doanh của vị doanh nhân này. Cụ Bạch Thái Bưởi có hoạt động sản xuất kinh doanh ở đây. Năm 2002, một số “đại gia” tự phát tâm xây dựng ngôi đền thờ cụ Bạch Thái Bưởi ở một quả đồi đá vôi cạnh cầu tàu cảng sông Đá Bạc, thuộc địa phận phường Phương Đông, do Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ của TKV quản lý. Ngôi đền xây hình chữ Đinh to rộng, hậu cung có bức tượng cụ Bạch Thái Bưởi cao lớn, sơn son thiếp vàng. Một “đại gia” nói đã “hô hồn nhập tượng”, đây là một ngôi đền thiêng. Nay thành phố lại hô hào doanh nghiệp, nhà công đức phát tâm xây thêm một ngôi đền nữa cùng ở một phường, cùng thờ một thần thì áy náy quá.

Hồ Yên Trung là bể tắm khổng lồ cho du khách xa gần.

Phóng viên Báo Xây dựng đã được anh Nguyễn Công Hòa, Phó trưởng Phòng Văn hóa TP Uông Bí và cán bộ của UBND phường Phương Đông đưa đến đền thờ cụ Bạch Thái Bưởi ở bến sông Đá Bạc (tạm gọi là đền 1). Ngôi đền nằm trong khuôn viên cảng của Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ TKV, cảnh hương bay khói tỏa cho thấy năng có người tới dâng hương. Người bảo vệ cảng đi cùng không cho phóng viên chụp ảnh. Phóng viên cũng đã gặp giỡ trao đổi với ông Trần Văn Lâm, Bí thư Thành ủy Uông Bí về nội dung này. Bí thư Thành ủy Uông Bí cho biết, ông mới về địa phương nhận công tác chưa nắm được cụ thể chi tiết này. Còn phòng Văn hóa thành phố thì nói chỉ quản lý các di tích trong danh mục xếp hạng.

Băn khoăn trước chủ trương của TP Uông Bí tổ chức xây thêm một ngôi đền thờ cụ Bạch Thái Bưởi nữa; phóng viên báo Xây dựng tìm gặp Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Quang Long thì ông cho biết chưa nắm được nội dung này. Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Quảng Ninh bày tỏ, hồ Yên Trung là một thắng cảnh, hệ sinh thái rừng phong phú, như một bảo tàng sinh vật lớn ngoài trời, tiềm năng du lịch lớn, nên dành khu vực này cho kinh tế du lịch của địa phương phát triển. Ý kiến của Giám đốc Hà Quang Long là sát thực, nên dành quĩ đất này cho hoạt động du lịch, mặc dù biết năm 2014 UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định thu hồi Dự án du lịch sinh thái resort của Công ty CP Đầu tư ATS Hà Nội. Song thiết nghĩ, một khu đất đắc địa như vậy, không có ATS Hà Nội, hẳn có nhà đầu tư khác.

Nếu TP Uông Bí có chủ trương dồn nén công trình tâm linh vào đất du lịch vốn là nơi vui chơi, tắm mát, giải trí... càng không nên.

Đền thiêng đặt ở nơi này liệu có hợp tâm linh?

Còn cụ Bạch Thái Bưởi, người được truy tặng cúp Thánh Gióng chứng nhận doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, xứng đáng tôn vinh, nhưng thành phố Uông Bí định xây thêm một ngôi đền thờ cụ Bạch Thái Bưởi nữa và địa điểm xây dựng ở hồ Yên Trung, thì nên cân nhắc kỹ và tổ chức tầm hội thảo khoa học chuyên ngành, xác định rõ di tích của vị doanh nhân này trên đất địa phương.

Thành phố Uông Bí, thử đặt giả thiết xây dựng tượng đài cụ Bạch Thái Bưởi, hoặc là nâng cấp ngôi đền của cụ đã có cùng ở phường Phương Đông xem sự đồng thuận của dân đến đâu. Và ngôi đền cụ Bạch Thái Bưởi hiện có bên bến sông Đá Bạc trên đất địa phương, không thể là đền riêng của doanh nghiệp được.

Bên cạnh đó, phóng viên Báo Xây dựng cũng đã đề xuất tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị khởi công trùng tu xây dựng tượng đài cụ Vũ Văn Hiếu, người Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của địa phương, đặt ở nơi công chúng, trang trọng.

Một số hình ảnh tại khu vực hồ Yên Trung được phóng viên ghi lại:

Con đường thảm nhựa chạy quanh hồ thuận lợi cho du khách tham quan danh sơn mỹ thủy.

Hồ Yên Trung dưới sóng nước mênh mông, trên rừng thông đại ngàn vi vu trong gió.

Thoáng chút Đà Lạt tại hồ Yên Trung.

Trẻ nhỏ thả hồn tuổi thơ vào thiên nhiên trong lành.

Vũ Phong Cầm

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/quang-ninh-tp-uong-bi-du-dinh-xay-them-den-tho-doanh-nhan-bach-thai-buoi.html