Quảng Ninh đào tạo cán bộ theo hướng thực chất, sát thực tế

Thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp, Quảng Ninh chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, theo hướng thực chất, sát thực tế, tập trung vào đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu, tham mưu trực tiếp trong các ngành, lĩnh vực theo nhu cầu của tỉnh.

Đào tạo cán bộ tham mưu

Chính thức đi vào hoạt động quản lý tập trung đầu năm 2015, Trung tâm hành chính công TP Hạ Long là mô hình có nhiều ưu điểm trong cải cách hành chính. Các thủ tục tiếp nhận thuận lợi, nhanh gọn và được giải quyết, trả đúng hẹn; giảm thời gian, kinh phí cho tổ chức, công dân. Công chức làm việc trách nhiệm, chuyên nghiệp, tận tình hướng dẫn thủ tục cho người dân, tạo được niềm tin, sự hài lòng của tổ chức, công dân…

Để chuẩn bị cho việc thí điểm mô hình Trung tâm hành chính công, năm 2015 tỉnh Quảng Ninh đã cử đồng chí Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long tham gia lớp bồi dưỡng quản trị hành chính công tại Trường đại học Công nghệ Nam Dương (NTU) của Xin-ga-po. Từ thực tế tham quan mô hình, tổ chức của Trung tâm hành chính công Xin-ga-po, đồng chí đã có nhiều đề xuất trình các cấp lãnh đạo xây dựng quy chế hoạt động của Trung tâm hành chính công TP Hạ Long, quy chế phối hợp giữa các phòng, ban, đơn vị làm việc trong trung tâm cũng như sử dụng chữ ký số trong duyệt văn bản, giấy tờ… Quy chế hoạt động của Trung tâm hành chính công TP Hạ Long được các trung tâm sau này tham khảo kinh nghiệm, cách làm.

Đồng chí Hồ Quang Huy cho biết: Kết quả rõ nét nhất trong cải cách hành chính ở TP Hạ Long là bảo đảm tính công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính… Bốn tháng đầu năm 2017, Trung tâm tiếp nhận và giải quyết hơn 28 nghìn hồ sơ, chiếm gần 31% tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết của 14 trung tâm hành chính công cấp huyện, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 98,02%.

Để trung tâm hoạt động hiệu quả theo nguyên tắc “tiếp nhận - thẩm định - phê duyệt - trả kết quả”, đội ngũ cán bộ đều trải qua các khóa đào tạo về kỹ năng giao tiếp, ứng xử... Thành phố Hạ Long ưu tiên tự đào tạo với hình thức luân chuyển 50/50. Cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa các phường, được chuyển lên Trung tâm hành chính công thành phố quan sát các thao tác xử lý phần mềm, thực hành sau đó về phường áp dụng vào công việc hằng ngày. Chỉ sau hai lượt đảo, chuyển, đội ngũ cán bộ đã nắm được quy trình, thao tác và thành thục tác nghiệp. Từ năm 2016, thành phố đào tạo gần 400 lượt cán bộ, công chức, viên chức với chủ đề kỹ năng giao tiếp, ứng xử nội bộ với tổ chức và công dân. Phần lớn các cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo, bồi dưỡng đã khẳng định, phát huy được trình độ, năng lực, đóng góp tích cực vào hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Đối với huyện miền núi Hoành Bồ, huyện thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch và tiêu chuẩn chức danh cán bộ với phương châm thực học, thực tài, chỉ cử cán bộ đi đào tạo đối với các ngành, lĩnh vực huyện đang thiếu và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quan tâm đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Huyện thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về lý luận chính trị, kỹ năng quản lý, giao tiếp cho cán bộ lãnh đạo quản lý, khuyến khích cán bộ tự học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn và tích lũy kinh nghiệm qua thực tiễn công tác. Đối với đội ngũ cán bộ và dự nguồn quy hoạch diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, mỗi năm cử bốn đến năm đồng chí đào tạo trình độ thạc sĩ; đối với công chức, huyện cử sáu đến tám đồng chí đi đào tạo đại học. Huyện cũng định hướng, khuyến khích đào tạo một số ngành ưu tiên như xây dựng đảng, tổ chức, kiểm tra, tài nguyên - môi trường, công nghệ thông tin…

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, tỉnh Quảng Ninh chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, đồng thời yêu cầu cao về chất lượng sau đào tạo. Cán bộ tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài đã lĩnh hội và áp dụng kiến thức, kinh nghiệm vào thực tiễn công tác, khắc phục thực trạng đi học để giải quyết chế độ... Nhiều học viên đã chủ động kiến nghị, đề xuất với tỉnh về việc nghiên cứu, áp dụng những mô hình mới, phù hợp, trong đó một số mô hình được áp dụng hiệu quả ngay như quản lý và phát triển du lịch bền vững gắn với cộng đồng địa phương; xây dựng thương hiệu điểm đến ở Hạ Long, Cô Tô, Vân Đồn, Đông Triều, Bình Liêu, Móng Cái...

Chú trọng đào tạo cán bộ cấp cơ sở

Phường Cao Xanh (TP Hạ Long) được đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong cải cách thủ tục hành chính. Phường thường xuyên rà soát, đề nghị hủy bỏ những thủ tục hành chính không phù hợp với địa phương. Giữa năm 2016, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại phường chính thức hoạt động, công khai hóa các thủ tục hành chính, bố trí cán bộ phụ trách bộ phận một cửa do đồng chí phó chủ tịch UBND phường trực tiếp quản lý và sáu công chức trực tiếp thực hiện. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao được chú trọng. Cán bộ, công chức phường tham gia các lớp cao học cũng như các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do ban, ngành, đoàn thể thành phố tổ chức, các lớp tập huấn về cải cách hành chính, kỹ năng giao tiếp, ứng xử… Từ đó, kỹ năng và nghiệp vụ đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa được nâng lên, từng bước nắm chắc quy trình giải quyết các thủ tục hành chính. Mỗi ngày, phường tiếp nhận hơn 70 lượt tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác, giải quyết kết quả nhanh gọn. Năm 2016, thu ngân sách vượt gần 160% kế hoạch thành phố giao. Sự tin tưởng và hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính của phường tăng cao.

Có thể thấy, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn của Quảng Ninh đã bám sát chủ đề công tác năm của cơ sở, các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, nhu cầu của địa phương và yêu cầu thực tiễn như phát triển du lịch, dịch vụ, nâng cao chất lượng quản trị hành chính công, xây dựng nông thôn mới... Điền Công là một thí dụ khi xã về đích nông thôn mới trước một năm so với Nghị quyết của Thành ủy Uông Bí. Trứng vịt và các sản phẩm nông nghiệp như khoai lang, dưa hấu, dưa lê Điền Công là những sản phẩm có thương hiệu, tiêu thụ tốt.

Triển khai chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, Điền Công tập trung quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản. Hay đồng chí Vũ Văn Nghiễn, một công chức địa chính-nông lâm sau khi được cử đi nghiên cứu, tập huấn các lớp khoa học kỹ thuật, đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Nông dân xã hăng hái lao động, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, nâng cao thu nhập...

Bí thư Đảng ủy xã Điền Công Hà Thị Huyền cho biết: Nhằm phát triển kinh tế bền vững, xã chú trọng xây dựng các mô hình, đề án phát triển sản xuất hàng hóa và quy hoạch theo vùng, điển hình như trồng dưa, khoai lang chất lượng cao, nuôi cá rô-phi đơn tính, tôm thẻ chân trắng… Xã khuyến khích hộ nông dân thực hiện các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương, đồng thời cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ thuật…

Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Thị Dung cho biết, công tác đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh Quảng Ninh ngày càng hướng về cơ sở và xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương. Tỉnh đã tổ chức 140 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 11.670 lượt cán bộ, công chức, viên chức, trong đó hơn 400 lượt được bồi dưỡng ở nước ngoài. Phần lớn cán bộ, công chức, viên chức sau khi đi đào tạo, bồi dưỡng đã khẳng định, phát huy được trình độ, năng lực, đóng góp vai trò nhất định trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Nhiều trường hợp đã được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo cấp phòng, lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, sở.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tỉnh Quảng Ninh tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu, chuyên gia giỏi trong các ngành, lĩnh vực, đào tạo có địa chỉ và gắn với sản phẩm cụ thể, chú trọng đến tính ứng dụng sau đào tạo, ưu tiên các ngành, lĩnh vực du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục, quản lý giao thông, đô thị, tài nguyên, môi trường, nông nghiệp thủy sản; tăng cường bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức để đội ngũ cán bộ có khả năng giao tiếp và làm việc với người nước ngoài, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, đối ngoại, hội nhập quốc tế của tỉnh.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33243202-quang-ninh-dao-tao-can-bo-theo-huong-thuc-chat-sat-thuc-te.html