Quảng Ninh chủ động phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika

Là tỉnh có hoạt động du lịch sôi động, thường xuyên có khách du lịch ra vào, đồng thời cũng là địa phương xuất hiện loại muỗi vằn (loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika), tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh, đặc biệt là những người đi về từ vùng có dịch để chủ động phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Zika và có phương án cách ly, xử lý kịp thời.

Quảng Ninh tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh Zika như: Xây dựng và triển khai lồng ghép phòng, chống sốt xuất huyết và Zika tới tất cả các đơn vị trong tỉnh; thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch, cách phát hiện bệnh, cách diệt muỗi, phòng, chống muỗi đốt...

Bên cạnh đó, ngành Y tế đã dự trù thuốc, hóa chất phục vụ công tác chống dịch chủ động; tập huấn công tác giám sát và điều trị cho các đơn vị y tế; giám sát chủ động các ca bệnh tại các đơn vị điều trị, tại các hộ gia đình; triển khai xét nghiệm ngay khi có ca bệnh nghi ngờ bị mắc vi-rút Zika.

Đến nay, Quảng Ninh hoàn toàn chủ động trong việc phòng, chống bệnh do vi-rút Zika, các ca xét nghiệm đến thời điểm hiện nay đều cho kết quả âm tính.

Ông Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Ninh khuyến cáo: Hiện nay vẫn chưa có vắc xin để dự phòng cho vi-rút Zika, việc phòng, chống lây nhiễm chủ yếu thông qua kiểm soát các vector truyền bệnh. Vì vậy, người dân, nhất là phụ nữ mang thai không nên đi du lịch đến các vùng đang có dịch bệnh. Nếu đến, về từ vùng có dịch bệnh do vi-rút Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, khi có biểu hiện bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị. Người dân cần triển khai các biện pháp diệt muỗi như: Đảm bảo vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng đọng nước; đậy kín chum, bể hoặc thả cá diệt loăng quăng, diệt muỗi bằng bẫy, vợt. Các cá nhân trong vùng dịch bệnh áp dụng các biện pháp hạn chế muỗi đốt như: Mặc quần áo kín, sáng màu, dùng thuốc xua đuổi côn trùng, nằm màn...

Vi-rút Zika thường gây bệnh nhẹ với các triệu chứng xuất hiện một vài ngày sau khi bị muỗi nhiễm bệnh đốt. Hầu hết người bệnh sẽ bị sốt nhẹ và phát ban; một số có thể viêm kết mạc, đau cơ, khớp và cảm thấy mệt mỏi. Các triệu chứng thường hết trong khoảng 2-7 ngày. Các dấu hiệu lâm sàng tương đối giống với bệnh sốt xuất huyết. Ngành y tế khuyến cáo, muốn biết chính xác cần làm xét nghiệm tìm vi-rút Zika. Hiện tại, Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Ninh đã làm được xét nghiệm chẩn đoán Zika. Tuy nhiên, người dân không nên quá lo lắng; bệnh dịch Zika hầu hết là thể nhẹ và tự khỏi mà không phải điều trị. Người dân cần phòng chống muỗi đốt, thường xuyên quan tâm đến sức khỏe và tham khảo tư vấn của cán bộ y tế.

Đến nay, cả nước đã ghi nhận 36 ca nhiễm vi-rút Zika, trong đó TP Hồ Chí Minh 29 ca, các tỉnh Đắk Lắk, Bình Dương, Khánh Hóa, Phú Yên, Long An mỗi tỉnh có từ 1 - 2 ca.

Văn Đức

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/quang-ninh-chu-dong-phong-chong-dich-benh-do-vi-rut-zika_t114c9n111719