Quảng Ninh: Chủ động đối phó với nạn buôn lậu, gian lận thương mại cuối năm

Mặc dù mỗi ngày các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 10 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên toàn địa bàn. Tuy nhiên, tình trạng này luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, khó kiểm soát vào những tháng cuối năm.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái giám sát hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu Ka Long

Sự vào cuộc quyết liệt từ các lực lượng chức năng

Số liệu từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh cho hay, trong 10 tháng đầu năm 2016, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 2.773 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với 2.434 đối tượng, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 43,7 tỷ đồng. Vi phạm trong lĩnh vực thuế nội địa là 1.037 vụ, tiền phạt vi phạm hành chính là 100,4 tỷ đồng, truy thu thuế bổ sung 235,6 tỷ đồng. Thu từ kiểm tra sau thông quan của cơ quan hải quan là 53,8 tỷ đồng.

Trong đó, lực lượng Hải quan thực hiện 1.865 lượt tuần tra kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý 327 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trị giá hàng vi phạm là 16,04 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều vụ là mặt hàng cấm, hàng trọng điểm như: ma túy tổng hợp 12,38 kg, pháo nổ 2.086 kg, sừng tê giác 0,9 kg, thuốc lá ngoại 80.526 bao, xăng dầu 9.500 lít…Gần đây nhất là vụ bắt giữ 2,84 tấn pháo nhập lậu từ Trung Quốc qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh, ngày 17/11/2016.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh bắt giữ, xử lý 56 vụ, 68 đối tượng buôn lậu và tàng trữ, vận chuyển trái phép hàng cấm; 22 vụ và 25 đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép 20,7 kg ma túy tổng hợp, 188.000 NDT; bắt giữ 3 vụ và 2 đối tượng vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ…Bên cạnh đó, lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ và phối hợp điều tra, xử lý 1.097 vụ, 1.304 đối tượng. Trị giá hàng hóa tịch thu về buôn lậu và than đạt 22,8 tỷ đồng, phát vi phạm hành chính 9,7 tỷ đồng.

Điểm nổi bật trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng chức năng từ khâu tuần tra kiểm soát, điều tra bắt giữ đến khâu trao đổi nghiệp vụ và nắm bắt thông tin. Trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các lực lượng được cụ thể hóa bằng Quyết định số 420/2015/QĐ-UBND, ngày 10/2/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Quyết định này đặc biệt có ý nghĩa và hỗ trợ đắc lực trong quá trình đấu tranh đối với loại tội phạm buôn lậu qua biên giới với mặt hàng cấm như: ma túy, vũ khí nóng, hóa chất thực phẩm, xăng dầu, than…

Tình trạng buôn lậu nhỏ lẻ tăng vọt

Đáng quan ngại, khi các lực lượng chức năng trên địa bàn Quảng Ninh đang phải đối mặt với tình trạng buôn lậu nhỏ lẻ tại khu vực biên giới gia tăng, cũng trong 10 tháng đầu năm 2016, các lực lượng chức năng đã phải xử lý vi phạm hành chính 5.693 vụ, trên 6.000 đối tượng, với tổng trị giá hàng hóa tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính là 52,15 tỷ đồng, bằng 141% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, chủ yếu là xử phạt hành chính đối với những đối tượng là cá nhân buôn lậu nhỏ lẻ qua biên giới, chưa tổ chức thành đường dây buôn lậu và chưa tới mức độ khởi tố vụ án (trong khi chỉ khởi tố 70 vụ với 89 đối tượng).

Hàng hóa vi phạm rất đa dạng, nhiều chủng loại, trong đó nổi lên một số mặt hàng trọng điểm thuộc nhóm hàng tiêu dùng như: đồ chơi trẻ em, công cụ hỗ trợ, thuốc lá điếu, pháo nổ, động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã, thực phẩm đông lạnh, các loại phụ gia thực phẩm và thực phẩm chức năng…

Phần lớn số hàng hóa này được các đối tượng buôn lậu người Việt Nam đặt hàng từ các cơ sở sản xuất bên Trung Quốc, do vậy hàng hóa thường vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Thủ đoạn buôn lậu nhỏ lẻ thường được cư dân sống giáp đường biên thực hiện, lợi dụng chính sách cư dân biên giới, họ đi thành nhiều tốp, xé lẻ hàng hóa, mang vác theo nhiều đường mòn, lối mở hoặc dùng xuồng chở hàng qua sông. Hàng lậu sau đó được các đầu nậu thu gom mua rồi đưa vào sâu nội địa Việt Nam tiêu thụ. Nhiều đối tượng chuyên nghiệp đã sống dựa vào việc mang vác hàng lậu thuê, do vậy khiến cho các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm.

Nhận định của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh cho thấy, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn trong 10 tháng đầu năm 2016 có giảm mạnh so với năm 2015. Tuy nhiên, do Quảng Ninh là địa bàn có nhiều yếu tố địa lý thuận lợi để các đối tượng lợi dụng cho việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa nhỏ lẻ qua biên giới, nên đã gia tăng nhanh chóng đối tượng buôn lậu nhỏ lẻ. Điều này, càng có nguy cơ bùng phát do nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng Trung Quốc vào các dịp lễ, tết tăng cao vào những tháng cuối năm.

Nguy cơ bùng phát hàng lậu vượt biên

Dự báo, số lượng hàng nhập lậu những tháng cuối năm và tháng 1/2017 sẽ tăng từ 3 đến 5 lần so với những tháng bình thường trong năm, một số mặt hàng trọng điểm nhập lậu như: ma túy tổng hợp, vũ khí và công cụ hỗ trợ, thuốc lá điếu, rượu ngoại, pháo nổ, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm đông lạnh, đồ chơi trẻ em, động vật hoang dã, may mặc…Thời điểm nhập lậu của các mặt hàng này sẽ diễn ra ồ ạt từ tháng 11 âm lịch cho đến giáp Tết Nguyên đán.

Nguyên nhân để tình trạng hàng lậu có nguy cơ bùng phát là do lợi nhuận thu được từ việc vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, trốn thuế và không mất chi phí kiểm định, kiểm dịch. Hơn nữa, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, còn tâm lý sính hàng ngoại, ham rẻ, thiếu cảnh giác và thông tin về sản phẩm đã “vô tình” tiếp tay cho hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm trí hàng độc hại trà trộn với hàng thật để đánh lừa người tiêu dùng. Mặt khác, một số cơ chế chính sách còn bất cập tạo điều kiện để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo người dân tham gia vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường điều tra, nghiên cứu, nắm thông tin, xác định các tuyến, địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại... để xây dựng kế hoạch, biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các vụ việc vi phạm, phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kiên quyết không để hình thành các điểm nóng trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân và vận động nhân dân không tham gia tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, chủ động tố giác tội phạm cho các cơ quan chức năng.

Tiến Khánh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/quang-ninh-chu-dong-doi-pho-voi-nan-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-cuoi-nam-307314.html