Quảng Ngãi liên tiếp chống chọi với lũ

Trong hai ngày qua trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi liên tục có mưa vừa đến mưa to, nhất là ở các huyện miền núi mưa rất to, cùng với nhiều hồ chứa nước và thủy điện Đăckdrinh đồng loạt xả lũ đã gây ra lũ trên diện rộng. Nhiều làng quê, khu dân cư ở ven Sông Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu và Trà Bồng đến chiều 6-12 đã ngập sâu trong nước và nhiều tài sản, hoa màu của người dân đã bị lũ cuốn trôi.

Trẻ em ở thị trấn Chợ Chùa chạy lũ bằng ruột xe

Ứng phó với lũ dữ

Cơn lũ từ ngày 30-11 đến 3-12 chưa rút xuống, thì từ ngày 5-12 đến chiều 6-12 những cơn mưa không ngớt trút xuống địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cùng với các hồ chứa nước và thủy điện đồng loạt xả lũ đã gây ra tình trạng lũ chồng lên lũ. Ngay trong ngày 6-12 đã có rất nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP Quảng Ngãi và một số huyện như Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và Sơn Hà, Sơn Tây... đều đồng loạt cho học sinh nghỉ học tránh lũ. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, đến 17 giờ chiều nay, toàn tỉnh có khoảng 825 hộ dân vùng trũng đã di dời đến nơi an toàn; có 7 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 62 nhà ở bị hư hỏng và có 780 nhà bị ngập nước sâu hơn 1 mét. Thiệt hại 593 ha lúa Đông xuân sạ sớm, trên 1.412,3 ha rau màu và hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản. Nhiều tuyến đường bị sạt lở hư hỏng nặng, hàng chục cầu bị cuốn trôi, hàng chục km kênh mương bị lũ xói lở...

Tuyến đường xã Sơn Dung, huyện miền núi Sơn Tây bị sạt lở nặng

Đi theo đoàn công tác của UBND tỉnh chiều nay, PV Nhân Dân đã ghi nhận những cơn lũ dữ trên các dòng sông Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu đang cuồn cuộn tràn vào các khu dân cư ở ven sông đã làm hàng trăm ngôi nhà của dân bị chìm sâu trong nước. Nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã cũng chìm trong nước lũ, gây ách tắc giao thông. Tại thị trấn Chợ Chùa, xã Hành Dũng (huyện Nghĩa Hành) đã ngập sâu từ 0,5-1,5m, xã Nghĩa Kỳ, Nghĩa Lâm, Nghĩa Phương, Nghĩa Điền (huyện Tư Nghĩa) đã ngập sâu từ 0,5-1,0m; xã Phổ Văn, Phổ Minh và Phổ Ninh (huyện Đức Phổ) ngập từ 0,8-1,5m. Tính đến thời điểm này, riêng huyện Nghĩa Hành đã tiến hành di dời trên 450 hộ với hơn 1.500 nhân khẩu, chủ yếu ở vùng thôn An Hòa, xã Hành Dũng, thôn Trúc Lâm ở xã Hành Nhân và thôn Kỳ Thọ Nam, những nơi có nhà bị ngập đã được di dời lên nhà cao, trường học để tránh lũ; đồng thời di dời trâu bò đến các gò cao để bảo đảm an toàn. Hiện giờ tại khu vực cầu kênh N8 qua địa bàn xã Hành Thuận (huyện Nghĩa Hành) đã bị chia cắt, đỉnh lũ cao hơn 1,2 m. Chính quyền xã đã phân công lực lượng dân quân tự vệ ứng trực, không cho người và phương tiện qua lại.

Lực lượng chức năng cứu dân trong vùng nước lũ ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành

Chị Phan Thị Tuyển, chủ cửa hàng tạp hóa gần khu vực cầu kênh N8 cho hay: Lũ lớn đột ngột vào lúc 6 giờ sáng nay nên gia đình không dọn dẹp đồ đạc kịp, phải chất tạm lên xe ba gác. Còn tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, nước ngập trắng xóa, người dân phải di chuyển gia súc đến nơi cao ráo để tránh trú. Toàn bộ trường học trên địa bàn huyện đã cho học sinh nghỉ để đảm bảo an toàn. Ông Đàm Bàng, Phó Chủ tịch UBND huyện (Trưởng ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Nghĩa Hành) cho biết: Để chủ động ứng phó mưa lũ, Trưởng ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Nghĩa Hành đã có công văn chỉ đạo các xã về phòng, chống thiên tai; duy trì phương châm 4 tại chỗ, trực 24/24 giờ; chỉ đạo các tổ dân quân tự vệ, các đội xung kích các xã tiến hành chốt chặn tại các điểm xung yếu, ngập sâu, nước chảy xiết. Các xã thông tin rộng rãi trên hệ thống loa đài về diễn biến của mưa lũ để người dân biết và có hướng đối phó hiệu quả. Đối với những vùng bị cô lập, huyện chỉ đạo lực lượng đến hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn.

Lực lượng chức năng địa phương huyện Nghĩa Hành cứu người trong lũ dữ

Địa phương nằm giữa hai dòng sông Trà Khúc và sông Vệ đang hứng chịu nặng nề cơn lũ dữ là huyện Tư Nghĩa. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ để ứng phó khẩn cấp đưa hàng chục gia đình ở các xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Trung, Nghĩa Điền, Nghĩa Phương và thị trấn La Hà bị ngập sâu trong nước lũ đến nơi an toàn. Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành cho biết: “Trước lũ dâng cao ở nhiều xã thuộc ven sông Trà Khúc và sông Vệ, từ chiều hôm qua huyện có công văn hỏa tốc gửi các địa phương tập trung di dời dân khu vực thấp lên vùng cao tránh lũ. Trong sáng nay, huyện lập hai đoàn công tác đến khu vực các xã giáp sông Trà Khúc và sông Vệ để tăng cường chỉ đạo triển khai chống lũ”. Cũng theo Chủ tịch Thành, do lũ dâng cao nhanh lúc 2 giờ sáng và lưu tốc dòng chảy khá mạnh nên nhiều người dân không kịp đưa đồ đạc, gia súc lên cao. Riêng các hộ trồng hoa bán tết đã bị thiệt hại hàng trăm chậu; đàn vịt 1.000 con của gia đình Lê Văn Du cũng bị bị lũ cuốn trôi nửa đàn. Con đường từ thị trấn La Hà về Nghĩa Hiệp, Nghĩa Thương đã bị ngập sâu trong nước lũ, gây ách tắc giao thông

Nhà sập, đường sạt lở

Theo UBND huyện Đức Phổ, Nghĩa Hành, Sơn Hà và TP Quảng Ngãi đã có ít nhất 30 ngôi nhà của người dân bị sập; nhiều tuyến đường liên huyện, tỉnh lộ bị ngập sâu trong nước và sạt lở nặng. Đặc biệt, phần taluy âm đường bờ kè bắc sông Trà Khúc đã bị sạt lở lớn (đoạn từ tổ dân phố Liên Hiệp 2B, phường Trương Quang Trọng (TP Quảng Ngãi). Theo ghi nhận của chúng tôi, đoạn sạt lở dài khoảng 20 m, khoét sâu vào móng đường đê bao khoảng hơn 1m. Những bụi tre lớn người dân trồng để chống sạt lở cũng bị lũ cuốn trốc gốc đổ xuống sông và uy hiếp tuyến đường trên bờ kè. UBND TP Quảng Ngãi đã xuất kinh phí tạm ứng mua cọc tre, cát và các vật dụng khác hỗ trợ địa phương và chỉ đạo kịp thời phường Trương Quang Trọng khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ với hàng trăm dân quân, thanh niên và người dân khu phố tiến hành đóng cọc tre, thả lưới B40, dùng bao cát kè chống sạt lở.

Do mưa lớn trong nhiều ngày qua nên nhiều tuyến đường ở các huyện miền núi đã bị sạt lở nặng, gây cản trở giao thông và đi lại khó khăn của đồng bào vùng sâu, vùng cao. Tại xã Sơn Dung (huyện Sơn Tây) đã sạt lở tại nhiều điểm, đất đá từ bờ, vách núi nằm ven tuyến đường, ước tính lên đến hàng ngàn mét khối đất đá đang gây ách tắc giao thông. Nhiều khu dân cư bị cô lập. Hiện giờ ở Sơn Dung đang là mùa lúa rẫy, để có đường từ rẫy về nhà, một số hộ dân đã phải men theo đường rừng, xa và qua nhiều suối chảy xiết rất nguy hiểm. Anh Đinh Xuân Sơn, xã Sơn Dung cho biết: “Buổi sáng đường này cũng bình thường. Sau những cơn mưa lớn trút xuống liên tục đã làm sạt lở núi tắc đường, bà con không có đường về. Giờ phải đi đường rừng về”. Hiện nay huyện Sơn Tây tập trung khắc phục sự cố sạt lở, bảo đảm giao thông thông suốt. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài, dấu hiệu sạt lở vẫn chưa dừng lại. Hiện tại, cùng với việc phổ biến, cảnh báo đến người dân các thông tin về mưa lũ, chính quyền địa phương còn cắm biển báo nguy hiểm đề phòng núi tiếp tục sạt lở. Ông Đinh Văn Treo, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết: “Xã phải huy động dân quân làm một hàng rào ngăn chặn hai bên đường vào chỗ sạt lở. Mục đích cảnh báo cho người dân, không cho người dân qua lại, rất nguy hiểm, cả ban đêm và ban ngày”. Để bảo đảm an toàn cho người dân khi qua lại các tuyến đường bị ngập, sạt lở, cùng với việc đưa phương tiện đến thu dọn, chính quyền các huyện đã chỉ đạo lực lượng chức năng trực thuộc đến chốt chặn, hướng dẫn để phòng ngừa tai nạn.

Chiều 6-12, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho biết: Do xã lũ hồ chứa nước Nước Trong nên đã gây lũ lớn trên sông Rin. Nhiều hoa màu của người dân đã bị ngập nước, gây thiệt hại nặng. Sáng nay có một người bị lũ cuốn trôi tử vong khi lội qua con suối và đã tìm được thi thể, là Hồ Văn Lâm (SN 1971, ở thôn Bầu Sơn, xã Sơn Nham). Đây là nạn nhân đầu tiên tử vong trong đợt lũ thứ 2 đang diễn ra và là trường hợp thứ 6 ở Quảng Ngãi tử vong, mất tích trong 2 đợt mưa lũ vừa qua.

Hiện nay tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang diễn biến khó lường, đồng thời việc xả lũ đồng loạt ở các hồ chứa nước và thủy điện ngày càng lớn nên nguy cơ gây lũ kéo dài. Đến 18 giờ chiều nay, hồ chứa nước Nước Trong (huyện Sơn Hà) với lưu lượng xả tràn trung bình: 395,97m3/s. Tại hồ thủy điện Đắkđrinh (huyện Sơn Tây) tiến hành xả lũ với lưu lượng 280 m3/s. Ngoài ra ở các hồ chứa khác như Diên Trường (huyện Đức Phổ), Núi Ngang (huyện Ba Tơ)... cũng đang tiến hành xả lũ với lưu lượng khá lớn...

Cuối giờ chiều 6-12, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã có chuyến thị sát các vùng ngập nặng tại hai huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành. Trực tiếp tới các khu dân cư bị nước lũ cô lập, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các cơ quan liên quan, các huyện, xã nơi xảy ra ngập khẩn trương di dời các hộ dân nằm trong vùng ngập sâu, sạt lở. Đồng thời tổ chức các phương án cần thiết để hỗ trợ dân trong vùng bị ngập. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ để chủ động triển khai các biện pháp, phương án ứng phó thiên tai thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý theo phương châm 4 tại chỗ, bảo đảm kịp thời, hạn chế thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản do mưa, lũ gây ra.

“Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình ngập lụt thực tế tại địa phương để chủ động yêu cầu Hiệu trưởng các trường thông báo cho học sinh nghỉ học và nhắc nhở phụ huynh quản lý hoạt động của học sinh, không để xảy ra tai nạn đáng tiếc. Trước mắt là tập trung hỗ trợ mì tôm, nước uống cho các hộ dân trong vùng ngập, tuyệt đối không được để người dân bị thiếu lương thực, nước uống. Những khu dân cư nằm trong vùng ngập sâu, sạt lở phải bố trí ngay lực lượng và kinh phí ưu tiên di dời khẩn cấp. Hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ gây ra”- Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh.

MINH TRÍ - LÊ DANH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/31478802-quang-ngai-lien-tiep-chong-choi-voi-lu.html